Hữu Lũng xây dựng nhãn hiệu tập thể gắn với nâng chất lượng sản phẩm
(LSO) – Huyện Hữu Lũng hiện có gần 4.500 ha cây ăn quả các loại, trong đó đã có nhiều diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên vẫn chưa có thương hiệu để nhận biết sản phẩm trên thị trường. Chính vì vậy, việc nhãn hiệu tập thể “Quả tươi Hữu Lũng” được công nhận vào tháng 1/2019 là dấu mốc quan trọng để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Trong các loại cây ăn quả của huyện Hữu Lũng thì cây na là loại cây có diện tích lớn nhất với trên 1.400 ha và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Năm 2018, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã triển khai tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn các hộ trồng na ký cam kết sản xuất na an toàn tại 8 xã: Yên Vượng, Yên Sơn, Hòa Lạc, Cai Kinh, Minh Tiến, Nhật Tiến, Đồng Tân, Yên Thịnh với diện tích khoảng 1.000 ha, hướng tới mục tiêu 100% các hộ trồng na trên địa bàn huyện cam kết sản xuất an an toàn. Đồng thời xây dựng mô hình sản xuất 25 ha na VietGAP với hơn 50 hộ dân xã Cai Kinh tham gia. Kết quả, sản phẩm na sạch đã được thị trường đón nhận, nâng cao hiệu quả kinh tế góp phần vào sự phát triển bền vững của quả na.
Người dân xã Nhật Tiến chia sẻ cách chăm sóc bưởi VietGAP
Huyện đã tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm tại ngày hội na Chi Lăng, tham gia tuần lễ quảng bá sản phẩm na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn tại Hà Nội. Ông Chu Ngọc Lợi, thôn Đồng Lai, xã Đồng Tân cho biết: Xác định sản xuất na an toàn trước hết là cho chính gia đình mình nên gia đình tôi luôn sản xuất na theo quy trình. Năm 2018, sau khi được tập huấn kỹ thuật, gia đình nhất trí ký cam kết, thực hiện đúng theo quy trình VietGAP.
Bên cạnh na, cây bưởi là loại cây ăn quả tăng nhanh về diện tích trồng và dần có chỗ đứng trên thị trường. Trong năm 2018, toàn huyện đã trồng mới được trên 106 ha, nâng tổng diện tích bưởi lên 445 ha, có 224 ha đã cho thu hoạch. Xác định chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng quyết định đến việc tiêu thụ, năm 2018 huyện đã triển khai chương trình hỗ trợ trồng 25 ha bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nhật Tiến, với 100 hộ tham gia, tổng kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng.
Theo chương trình, người dân được tập huấn khoa học kỹ thuật thâm canh, trồng, chăm sóc, đồng thời hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện bẫy bả ruồi vàng để phòng trừ ruồi đục quả, sử dụng phân hữu cơ bón cho cây. Kết quả sản phẩm bưởi của các hộ tham gia chương trình đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây chính là cơ sở để huyện xem xét gắn tem truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng yên tâm tiêu thụ sản phẩm.
Quá trình xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm quả tươi Hữu Lũng đã được triển khai từ năm 2017. Theo đó, huyện đã tổ chức rà soát và lập bản đồ vùng trồng cây ăn quả, thể hiện địa giới hành chính, các thông tin địa danh chính diện tích vùng trồng cây ăn quả của huyện. Toàn huyện hiện có 23 sản phẩm quả tươi và được trồng trên tất cả 26 xã, thị trấn. Trong đó, huyện đã lựa chọn 4 sản phẩm có diện tích, sản lượng lớn để thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP. Đến nay đã có 25 ha na, 25 ha bưởi Diễn, 30 ha táo đại và 30 ha dứa được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Trong năm 2019, Phòng NN&PTNT huyện sẽ tiếp tục theo dõi và mở rộng diện tích VietGAP, triển khai dự án phục tráng mít bản địa; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ như: khuyến khích mở rộng sử dụng hệ thống bao bì có nhãn hiệu, tăng cường quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp tục tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh…
“Quả tươi Hữu Lũng” là một trong 3 nhãn hiệu của huyện Hữu Lũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, qua đó góp phần đảm bảo uy tín, chất lượng sản phẩm quả tươi của huyện trên thị trường. Đồng thời, đây là bước đánh dấu cho việc phát triển ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng và hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ổn định trên cơ sở phát huy lợi thế của từng sản phẩm.
Ngọc Huyền (Hữu Lũng)
Ý kiến ()