Hữu Lũng: Tuyển chọn, nhân giống, nâng cao giá trị kinh tế từ cây trám đen
– Với mục đích nhân rộng, phát triển, nâng cao giá trị kinh tế từ cây trám đen, năm 2018, huyện Hữu Lũng đã thực hiện tuyển chọn, xây dựng mô hình nhân giống, trồng mới và thâm canh cây trám đen. Qua đó, đã góp phần mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, mang lại thu nhập cho người dân.
Trám đen đã được trồng lâu năm trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Loại cây này thường ra quả hằng năm, tuy nhiên, do trước đây người dân không có sự chọn lọc giống, không đầu tư chăm sóc nên cách năm cây mới ra quả một lần, năng suất thấp. Đặc biệt, cây trồng bằng hạt sau 7 đến 8 năm mới cho quả, chiều cao trung bình từ 15 đến 20 m (trám cổ thụ) nên khó khăn trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại và thu hái.
Từ thực tế trên, tháng 1/2018, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hữu Lũng đã triển khai thực hiện đề tài “Tuyển chọn, xây dựng mô hình nhân giống, trồng mới và thâm canh trám đen” với tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng nhằm tạo ra giống cây chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng để mở rộng diện tích, nâng cao giá trị kinh tế.
Người dân thôn Địa Phận, xã Đồng Tiến chăm sóc vườn trám đen thâm canh của gia đình
Theo đó, Phòng NN&PTNT đã tiến hành khảo sát diện tích, năng suất, kỹ thuật canh tác, hiệu quả kinh tế tại 50 vườn trám của người dân trên địa bàn. Kết quả, đã tuyển chọn được 18 cây trám đen ưu tú, khai thác cành, nhân giống bằng phương pháp ghép được 2.500 cây giống có chất lượng tốt để trồng mới 5 ha tại các xã: Quyết Thắng, Vân Nham,…. Hiện cây sinh trưởng phát triển tốt, dự kiến năm sau sẽ bắt đầu cho thu hoạch quả.
Đồng thời, cũng trong thời gian này, Phòng NN&PTNT huyện xây dựng quy trình trồng, chăm sóc thâm canh 1 ha trám đen ghép. Trong đó có 0,3 ha diện tích sắp cho thu hoạch và 0,7 ha đã cho thu hoạch được 5 năm. Kết quả, sau khi được chăm sóc thâm canh năng suất trám đen ghép đạt 10,35 tấn/ha, tăng 35,64% so với sản xuất đại trà (7,63 tấn/ha). Lợi nhuận thu được trên cùng đơn vị diện tích cao hơn 1,41 lần so với lối canh tác ít đầu tư của người dân trước đây.
Ông Hoàng Văn Cảnh, thôn Địa Phận, xã Đồng Tiến cho biết: Nhận thấy trám đen ghép là cây có giá trị kinh tế cao, cho thu hoạch chỉ sau 3 năm trồng, tán thấp, dễ chăm sóc, thu hái nên năm 2017, tôi đầu tư trồng 2,5 ha trám ghép. Đầu năm 2018, tôi tham gia mô hình thâm canh trám đen ghép (0,3 ha) do Phòng NN&PTNT hướng dẫn thực hiện. Theo đó, tôi được hỗ trợ phân bón, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái quả. Nhờ được chăm sóc, bón phân theo liều lượng, đúng thời điểm nên năm 2020, diện tích trám trên bắt đầu bói quả cho thu 30 kg, năm 2021, sản lượng đạt gần 1 tạ quả, (tăng gần 70 kg so với vụ trước).
Tương tự, anh Đàm Văn Ngự ở thôn Trãng, xã Quyết Thắng cho biết: Năm 2010, tôi mua trên 70 cây trám ghép về trồng, tuy nhiên, do chưa có kỹ thuật trồng, chăm sóc nên cây ra quả không đều, có năm không có quả. Đầu năm 2018, được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ thực hiện một số biện pháp kỹ thuật canh tác và thu hái, nhờ đó vườn trám của gia đình đạt năng suất trung bình 30 kg/cây (tăng 5 kg/cây so với trước khi thực hiện thâm canh), sản lượng đạt gần 2 tấn, bán với giá trung bình từ 55 đến 60 nghìn đồng/kg, mang về thu nhập trên 100 triệu đồng.
Hiện nay, toàn huyện có 25 ha trám đen, tăng 15 ha so với năm 2018. Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 6 ha (gồm trám cổ thụ và trám ghép), còn lại là mới trồng. Vài năm trở lại đây, giá thu mua quả trám ở mức cao (từ 50 đến 100 nghìn đồng/kg tùy loại), nên người dân chủ động mở rộng diện tích trồng trám ghép.
Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng, chủ nhiệm đề tài cho biết: Việc triển khai thực hiện tuyển chọn, nhân giống cây trám đen đã góp phần bảo vệ được nguồn gen quý, mở rộng diện tích trồng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện. Đồng thời, thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật cải thiện giống trám, nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng thu nhập cho người dân.
Với việc chú trọng tuyển chọn, xây dựng mô hình nhân giống, trồng mới và thâm canh trám đen đã góp phần lưu giữ, phát triển nguồn quỹ gen cây trám đen để nhân giống phục vụ mở rộng diện tích, qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ý kiến ()