Hữu Lũng: Tín hiệu vui từ mô hình kinh tế trang trại
(LSO) – Xác định kinh tế trang trại là mô hình sản xuất tiên tiến, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân; những năm qua, huyện Hữu Lũng đã đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế theo hướng trang trại.
Những năm trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Định, thôn Cã Trong, xã Minh Sơn chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2013, gia đình ông xây dựng chuồng trại chăn nuôi với quy mô lớn trên tổng diện tích hơn 1.000m2. Bên trong chuồng trại, gia đình ông lắp đặt hệ thống làm mát, chăn nuôi tự động.
Với hệ thống quy mô hiện đại theo quy trình khép kín, kết hợp với kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nghiêm ngặt nên trang trại của gia đình ông luôn phát triển ổn định. Hằng năm duy trì đàn lợn với gần 1.000 con, trong đó có 60 con nái, hơn 900 con lợn thịt. Trung bình mỗi năm, gia đình xuất bán 100 tấn lợn ra thị trường, doanh thu khoảng 4 tỷ đồng.
Ông Định cho biết: Tôi thấy việc phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển ổn định theo quy mô lớn cần có nguồn vốn lớn để đầu tư mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, đòi hỏi người chăn nuôi phải nắm bắt các kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Gia đình ông Nông Văn Lâm, thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh có thu nhập cao từ mô hình trồng cây ăn quả
Cũng giống như ông Định, gia đình ông Nông Văn Lâm, thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh trước đây chủ yếu để vườn tạp. Từ năm 2012, gia đình ông mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả.
Ông Lâm cho biết: Gia đình tôi chuyển đổi hơn 2 ha đất sang trồng 500 cây na, 1.500 gốc cam đường Canh, 500 gốc cam Vinh, mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi có thu nhập 400 – 500 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Từ đó đời sống kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Được biết, việc phát triển kinh tế theo hướng trang trại bắt đầu hình thành ở Hữu Lũng từ năm 2012. Ban đầu chỉ có 1 – 2 mô hình chăn nuôi, trồng trọt lớn, nhận thấy hiệu quả kinh tế, đến nay, toàn huyện đã có 18 hộ gia đình đầu tư và mở rộng quy mô hướng đến phát triển kinh tế trang trại, với 6 mô hình chăn nuôi, 10 mô hình trồng trọt, 2 mô hình phát triển kinh tế tổng hợp.
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển các mô hình, thời gian qua, huyện Hữu Lũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích như: tạo điều kiện cho người dân vay vốn; quan tâm đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật (trung bình mỗi năm từ 40 đến 50 lớp).
Qua thực tế tìm hiểu trên địa bàn huyện, bình quân tổng vốn đầu tư của một mô hình trồng trọt là 100 – 200 triệu đồng, chăn nuôi là 1 đến 1,5 tỷ đồng. Doanh thu bình quân đem lại cho một mô hình trồng trọt từ 200 đến 300 triệu đồng, chăn nuôi là 1,5 đến 2 tỷ đồng. Nhờ đó đã giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập cao, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Ông Nông Khắc Tạo, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian qua, phòng đã tích cực tham mưu cho huyện triển khai nhiều chính sách phát triển về nông lâm nghiệp nói chung, trong đó có phát triển các mô hình kinh tế theo hướng trang trại. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã và đang có nhiều mô hình phát triển theo quy mô hiện đại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, mới chỉ có một mô hình được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư số 27 ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Thời gian tới, với những mô hình đáp ứng tiêu chuẩn của trang trại, phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đăng kí thành lập trang trại để có nhiều ưu đãi trong vay vốn, mở rộng phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương.
KIM HUYÊN - NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()