LSO-Hiện nay, trên khắp các cánh đồng của huyện Hữu Lũng, bà con đang tích cực bón phân, làm cỏ, chăm sóc cây trồng vụ xuân, chú trọng đến phòng trừ sâu bệnh, không để gây hại lớn. Đến thời điểm này, cây trồng sinh trưởng phát triển tương đối tốt, một số loại cây trồng như dưa, thuốc lá đã cho thu hoạch. Từ thị trấn Hữu Lũng dọc theo tuyến đường 242 qua các xã Nhật Tiến, Minh Tiến xuống Hòa Bình, Yên Bình, bà con đang làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu cho lúa. Bà Lã Thị Sao, xã Yên Bình đang làm cỏ trên thửa ruộng cho biết, vụ xuân năm nay gia đình bà cấy 7 sào lúa, hơn 1 mẫu ngô, đến nay lúa đang đẻ nhánh, một số diện tích chớm bị sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm gây hại, gia đình chủ động thăm đồng ruộng thường xuyên và được khuyến nông viên của xã hướng dẫn cách phòng trừ nên khi phát hiện có hiện tượng sâu gây hại, gia đình đã chủ động lên Trạm Bảo vệ thực vật huyện mua thuốc về phun ngay....
LSO-Hiện nay, trên khắp các cánh đồng của huyện Hữu Lũng, bà con đang tích cực bón phân, làm cỏ, chăm sóc cây trồng vụ xuân, chú trọng đến phòng trừ sâu bệnh, không để gây hại lớn. Đến thời điểm này, cây trồng sinh trưởng phát triển tương đối tốt, một số loại cây trồng như dưa, thuốc lá đã cho thu hoạch.
Từ thị trấn Hữu Lũng dọc theo tuyến đường 242 qua các xã Nhật Tiến, Minh Tiến xuống Hòa Bình, Yên Bình, bà con đang làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu cho lúa. Bà Lã Thị Sao, xã Yên Bình đang làm cỏ trên thửa ruộng cho biết, vụ xuân năm nay gia đình bà cấy 7 sào lúa, hơn 1 mẫu ngô, đến nay lúa đang đẻ nhánh, một số diện tích chớm bị sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm gây hại, gia đình chủ động thăm đồng ruộng thường xuyên và được khuyến nông viên của xã hướng dẫn cách phòng trừ nên khi phát hiện có hiện tượng sâu gây hại, gia đình đã chủ động lên Trạm Bảo vệ thực vật huyện mua thuốc về phun ngay. Vì vậy lúa phát triển bình thường. Trên diện tích ngô thì không bị sâu bệnh gì gây hại, hiện phát triển tốt và đang trổ cờ. Theo nhiều người dân cho biết thì năm nay, sâu bệnh gây hại giảm hẳn so với năm trước (năm 2010), ông Lê Văn Nhiên, thôn Tráng, xã Hòa Bình cho biết, năm nay thời tiết rét kéo dài mặc dù gieo cấy có chậm thời vụ so với năm trước nhưng có thể cũng vì rét nên hạn chế được sâu bệnh. Hiện, các diện tích trồng lúa của gia đình ông mặc dù bị một số loại sâu gây hại như sâu đục thân, rầy nhưng không có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của lúa. Thời gian tới, gia đình ông tiếp tục chủ động thăm đồng ruộng thường xuyên và bón thúc cho lúa để đẩy nhanh quá trình đẻ nhánh, ra đòng của lúa.
|
Nông dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chăm sóc lúa xuân |
Ông Hoàng Thế Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết, vụ xuân năm nay toàn huyện gieo trồng được trên 2.220 ha lúa xuân, đạt 97% kế hoạch; ngô xuân hơn 1.900 ha, đạt 100% kế hoạch; một số cây trồng khác đạt 100% kế hoạch. Hiện nay, các cây trồng vụ xuân cơ bản đều sinh trưởng và phát triển tốt, một số loại hoa mầu đã cho thu hoạch như dưa bở, thuốc lá. Đối với lúa xuân đang trong thời kỳ đẻ nhánh – đẻ nhánh rộ, ngô xuân đang trổ cờ. Năm nay, thời tiết rét đậm kéo dài từ đầu vụ, vì vậy các loại sâu như sâu đục thân, rầy, đạo ôn,… bị chết, ngay cả bọ xít cũng bị chết, vì vậy nên các loại sâu bệnh hại cây trồng vụ xuân giảm hẳn. Một số loại sâu bệnh đang gây hại trên lúa như: sâu đục thân hai chấm, bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ… mới chỉ gây hại ở mật độ thấp, bệnh đạo ôn phát sinh và gây hại nhẹ trên diện rộng, bệnh khô vằn phát sinh và gây hại cục bộ. Một số loại sâu bệnh gây hại trên cây ngô, nhưng cũng chỉ ở mức độ nhẹ như, rầy lưng trắng, sâu ăn lá, rệp; trên các loại hoa màu cũng bị các loại sâu bệnh gây hại như, bệnh sương mai, khảm lá, soắn lá, phấn trắng nhưng cũng chỉ ở mức độ thấp gây hại không đáng kể.
Theo nhận định của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, thời gian tới, khi các diện tích lúa xuân bước vào giai đoạn thời kỳ con gái, làm đòng, ôm đòng, những ruộng lúa thiếu dinh dưỡng, thiếu nước, những chân ruộng chua… nhân dân cần phòng trừ tốt bệnh vàng lá sinh lý hại lúa, với các triệu chứng khi bệnh xuất hiện là lá lúa đồng loạt chuyển sang màu vàng, từ lá gốc vàng lên, cây lúa sinh trưởng kém. Để phòng trừ bệnh kịp thời, có hiệu quả, ngành chức năng huyện đã khuyến cáo, nếu chân ruộng khô cần dẫn nước vào ruộng; trên trà lúa muộn nếu cây lúa còn ở giai đoạn đẻ nhánh thì tiến hành bón vôi bột, sau đó sục bùn để cải tạo đất, kết hợp phun các loại phân bón lá để lúa nhanh phục hồi; Đối với diện tích lúa đại trà, lúa đang ở giai đoạn con gái đến ôm đòng, cần phun bón lá cho lúa. Đặc biệt khi bị bệnh vàng lá sinh lý hại lúa, cây lúa chưa phục hồi, không nên bón bổ sung bằng các loại phân ăn qua đường rễ.
Hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo ngành chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại cây trồng, định kỳ thông báo cho bà con nhân dân biết phòng trừ. Đồng thời tiếp tục sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi. Tiến hành nghiệm thu công trình kiên cố hoá tuyến mương thôn Lân Thuổng, xã Yên Sơn đưa vào sử dụng. Thời gian tới xây dựng tuyến mương Mỏ Kỵ 1, xã Thanh Sơn, nhằm đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất.
Để phòng, trừ sâu bệnh một cách kịp thời, sự chủ động của người dân trong phát hiện, thông báo tình hình sâu bệnh đến phòng chuyên môn là điều quan trọng góp phần vào phát hiện và xử lý bệnh gây hại để có được một vụ mùa bội thu.
Đỗ Hoạt
Ý kiến ()