Hữu Lũng: Tập trung xây dựng vùng gỗ nguyên liệu
– Hữu Lũng có trên 43.600 ha đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 38.000 ha đất có rừng. Với lợi thế đó, các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã quan tâm, định hướng người dân phát triển trồng rừng, hình thành vùng nguyên liệu cung cấp cho chế biến.
Trên địa bàn huyện hiện có 7 doanh nghiệp chế biến lâm sản và 65 cơ sở chế biến lâm sản tư nhân. Vì vậy, nhu cầu về nguồn nguyên liệu chế biến là rất lớn. Dựa vào tiềm năng này, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã tích cực chỉ đạo, tuyên truyền người dân tại các xã, thị trấn đẩy mạnh phát triển rừng, hình thành vùng nguyên liệu cung cấp gỗ cho ngành công nghiệp chế biến.
Người dân xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng thăm rừng thường xuyên
Đến xã Hòa Sơn vào ngày đầu tháng 10/2022, chúng tôi được chứng kiến những cánh rừng được bao phủ bởi màu xanh ngút ngàn của các loại cây bạch đàn, keo. Ông Dương Văn Mậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Toàn xã có trên 3.250 ha rừng sản xuất, trong đó chủ yếu là bạch đàn và keo. Dự tính trong những năm tới, diện tích trồng rừng tiếp tục tăng, đặc biệt là cây keo vừa bảo vệ đất vừa nuôi dưỡng làm nguyên liệu gỗ lớn.
Được biết, từ trồng keo, bạch đàn, những năm gần đây, người dân ở Hòa Sơn đã có nguồn thu nhập ổn định. Gia đình ông Lâm Văn Thiện là một ví dụ. Ông Thiện cho biết: Cách đây 20 năm, được cán bộ UBND xã tuyên truyền, tận dụng diện tích đất lâm nghiệp của gia đình, tôi đã trồng rừng để phát triển kinh tế. Theo chu kỳ, cứ 6 đến 7 năm khai thác gỗ một lần, tính trung bình đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Sau khi khai thác, tôi tiếp tục trồng lứa mới. Hiện tại, gia đình có 25 ha bạch đàn và 3 ha keo đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Không chỉ xã Hòa Sơn, những năm gần đây, tại hầu hết các xã ở huyện Hữu Lũng đều phát triển rừng, chủ yếu là trồng các loại cây: keo, bạch đàn… Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, toàn huyện hiện có trên 23.000 ha rừng trồng. Trung bình mỗi năm, toàn huyện trồng mới khoảng 1.400 ha rừng.
Để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cung ứng cho chế biến, thời gian qua, phòng chuyên môn huyện đã lên kế hoạch, đề ra chỉ tiêu và phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, đẩy mạnh xã hội hóa trồng rừng. Do đó, diện tích rừng trồng mới trên địa bàn huyện hằng năm đều vượt chỉ tiêu huyện đề ra. Đơn cử, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn huyện trồng mới được hơn 1.900 ha rừng, trong đó, rừng nguyên liệu đạt 1.700 ha, vượt 27,8% kế hoạch của huyện.
Bên cạnh đó, Phòng NN&PTNT huyện chú trọng tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho người dân. Trung bình mỗi năm, phòng tổ chức khoảng 10 cuộc tập huấn cho người dân tại các xã trên địa bàn, góp phần đưa tiến bộ kỹ thuật, nâng cao kiến thức cho bà con áp dụng vào thực tiễn.
Bà Nông Thị Huyền Trang, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Cùng với sự phát triển của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn, việc tập trung phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt là các loại cây gỗ lớn có ý nghĩa rất quan trọng. Do vậy, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng trên địa bàn huyện đã tích cực chỉ đạo, định hướng, khuyến khích người dân phát triển rừng. Đặc biệt, thực hiện đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2020 – 2030, toàn huyện tập trung chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, chủ yếu là cây keo nhằm tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến với diện tích 1.110 ha.
Với tiềm năng và lợi thế phát triển lâm nghiệp trên địa bàn huyện, thời gian tới, các cấp, ngành của huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con về phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, tranh thủ các nguốn vốn để hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng rừng cho người dân.
Ý kiến ()