Hữu Lũng tập trung sản xuất vụ mùa
(LSO) – Vụ mùa năm 2020, huyện Hữu Lũng có kế hoạch gieo trồng khoảng 9.000 ha cây trồng các loại. Trong đó, trồng lúa 5.300 ha, ngô 800 ha. Để sản xuất giành thắng lợi, người dân, cơ quan chuyên môn huyện tập trung thực hiện các giải pháp.
Sau khi thu hoạch xong vụ xuân, gia đình ông Mã Văn Toản, thôn Hét, xã Vân Nham khẩn trương làm đất, chuẩn bị giống, phân bón cho sản xuất vụ mùa. Đến nay, gia đình ông Toản đã cấy được gần 1 mẫu lúa mùa. Ông Toản cho biết: Vụ mùa năm nay tôi dự định cấy trên 1 mẫu lúa, với giống lúa bao thai, khang dân (là loại giống có sức chống chịu sâu bệnh cao, chất lượng gạo thơm ngon). Đối với một số chân ruộng cao (khoảng 3 sào) không chủ động được nguồn nước, tôi chuyển sang trồng dưa hấu. Vụ đông tới, tôi dự kiến trồng 4 sào khoai tây và 2 sào rau. Vì vậy, việc cấy lúa vụ mùa phải thực hiện sớm thì mới đảm bảo gieo trồng cây vụ đông.
Người dân xã Cai Kinh làm đất cấy lúa mùa
Hiện nay, trên địa bàn xã Vân Nham, bà con nông dân đã thu hoạch xong cây trồng vụ xuân, tập trung sản xuất vụ mùa. Trong đó, cấy lúa đạt trên 80% diện tích. Theo ông Lăng Văn Lịch, Bí thư đảng ủy xã Vân Nham, tổng diện tích gieo trồng vụ mùa trên địa bàn xã khoảng 600 ha, trong đó, diện tích lúa là chủ yếu (khoảng 500 ha). Để vụ mùa đạt hiệu quả, đối với các diện tích nguy cơ thiếu nước, Ban Chỉ đạo sản xuất của xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác như: ngô, ớt, dưa hấu…
Không chỉ xã Vân Nham, hiện nay, bà con nông dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng đang đẩy nhanh tiến độ vụ mùa. Trong đó, nhiều xã như: Thiện Tân, Nhật Tiến, Minh Tiến, Yên Thịnh, Quyết Thắng,… bà con nông dân đã cơ bản cấy xong lúa.
Hữu Lũng là huyện có thời vụ gieo trồng cây vụ mùa sớm nhất so với các huyện khác. Thời vụ gieo trồng sớm hạn chế được hạn cuối vụ và tạo thời vụ dài hơn cho trồng cây vụ đông. Vì vậy, để sản xuất vụ mùa hiệu quả và đảm bảo tiến độ sản xuất vụ đông, ngay từ đầu vụ, UBND huyện ban hành ban hành văn chỉ đạo phòng chuyên môn, các xã, thị trấn triển khai các giải pháp.
Theo đó, cơ quan chuyên môn chủ động xây dựng lịch thời vụ, dự báo tình hình sâu bệnh từng tuần để có khuyến cáo phòng trừ kịp thời; các điều kiện về giống, phân bón được các chi nhánh, đại lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn cung ứng đảm bảo số lượng, chất lượng cho người dân. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn trên 20 cuộc cho người dân, khuyến nông viên về cách trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng.
Ông Dương Mạnh Hùng, cán bộ phụ trách trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết: Để sản xuất vụ mùa đạt hiệu quả và đảm bảo thời vụ cho sản xuất vụ đông, trung tâm xây dựng kế hoạch thời vụ bám sát tình hình mùa vụ trên địa bàn huyện. Theo đó, đối với chân ruộng trồng ngô vụ đông sẽ trồng lúa mùa sớm (cấy trong tháng 6); đối với chân ruộng thấp 2 vụ lúa, ruộng trũng cấy lúa mùa chính vụ (cấy xong trong tháng 7); cấy lúa mùa muộn đối với chân ruộng có nguy cơ bị ngập úng (cấy xong trước 7/8). Đối với cây ngô, trồng ở bãi, chân ruộng không cấy lúa mùa sớm (trồng từ 15/7 đến ngày 15/8).
Vụ mùa 2020, bà con nông dân chủ yếu gieo trồng giống ngô, lúa (bao thai) như các năm trước. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay, huyện xây dựng mô hình cấy lúa vụ mùa theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững với diện tích 200 ha tại các xã: Hoà Lạc, Hoà Sơn, Hồ Sơn, Minh Hoà, Hoà Thắng; cấy 4 ha giống lúa J02 của Nhật tại xã Hòa Thắng, Hồ Sơn (đây là giống đã được trồng khảo nghiệm trước đó và cho năng suất, chất lượng cao). Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đến nay, toàn huyện cấy được khoảng 2.000 ha lúa, tiến độ gieo trồng vụ mùa trên địa bàn đảm bảo, các điều kiện về giống, phân bón, nguồn nước cho sản xuất đáp ứng nhu cầu. Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo triển khai các biện pháp góp phần sản xuất vụ mùa giành thắng lợi.
Ý kiến ()