Theo phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng, khoảng 10 năm trước nhân dân ở đây phần lớn hướng đến cây bạch đàn. Bạch đàn trồng trên chót vót đỉnh đồi, trồng xuống tận nương bãi, xuống vườn, trồng bao quanh nhà. Người ta tận dụng mọi chỗ có thể để trồng dù là vài chục cây bạch đàn với toan tính sau vài năm thì vài chục cây này cũng thu được tiền triệu mà không phải bỏ nhiều vốn cũng không mất công chăm sóc. Chính vì vậy, cây bạch đàn đã thay thế gần như toàn bộ thảm thực vật của hệ sinh thái đồi núi đất ở Hữu Lũng. Dấu ấn của rừng nguyên sinh trữ lượng lớn với nhiều loại gỗ quý như lim xanh, kháo, lát hoa, lát khét, sến, đinh, táu, de, sồi… giờ đây chỉ còn lại một vài chỏm lim mấy chục năm tuổi được các gia đình giữ lại. Gia đình ông Hứa Văn Nhẳng ở thôn Hố Mười, xã Mình Sơn là một trong số ít hộ còn giữ được khoảng 5ha rừng tự nhiên với nhiều cây lim, lát. Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết: nền kinh tế trọng tâm của huyện là sản xuất nông lâm nghiệp với các sản phẩm chủ yếu là lúa, ngô, lạc, đậu tương, thuốc lá, cây ăn quả và một số sản phẩm từ rừng. Rừng sản xuất thời gian qua đã mang lại một số lợi ích thiết thực cho bà con địa phương. Song, về lâu dài cần có sự chuyển đổi. Vấn đề ở đây là bên cạnh rừng sản xuất cần có rừng nguyên sinh – diện tích rừng nguyên sinh còn rất ít, vì thế địa phương đã hướng đến việc lập dự án tái tạo lại rừng tự nhiên. Mục đích của việc này là nhằm trả lại môi trường sinh thái tự nhiên cho rừng, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Quản lý bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng cho biết: Xét về vai trò, rừng là thảm thực vật với những cây thân gỗ trên bề mặt trái đất, giữ vai trò to lớn đối với con người như: cung cấp nguồn gỗ, củi, chống xói mòn, điều hòa khí hậu, tạo ra oxy, điều hòa nước, nơi cư trú của động, thực vật và tàng trữ các nguồn gen quý hiếm. Bà Hòa cho biết thêm, theo điều tra, khảo sát của Cirum, sau khi trồng bạch đàn được 1 – 2 chu kỳ, đất đai khô cằn thiếu nước, trồng cây ngắn ngày phát triển chậm, đối với cây sắn của bà con chỉ cần sau 1 chu kỳ trồng bạch đàn đã rất khó phát triển. Ngoài ra, hệ sinh thái và đặc biệt là nguồn nước chảy tự nhiên tại những khu vực có rừng đã mất đi. Với những lý do đó, sau một đợt khảo sát tại Hữu Lũng, CIRUM phát hiện tại xã Minh Sơn còn một số diện tích rừng tự nhiên tại gia đình ông Hứa Văn Nhẳng (thôn Hố Mười) nên đã quyết định tư vấn cho địa phương, cùng với địa phương lập dự án “khôi phục và phát triển rừng tự nhiên dựa vào cộng đồng” nhằm bảo tồn và tái tạo rừng tự nhiên, duy trì môi trường sinh thái tự nhiên, giữ nước cho đất và thảm thực vật, nơi trú ngụ của một số loài động vật quý. Trên hết, qua dự án, từ khu rừng của gia đình ông Nhẳng sẽ tạo và nhân thêm nguồn gen thực vật bản địa quý của Hữu Lũng. Mục đích là vậy, nhưng để bà con hiểu và nhận thức đúng ý nghĩa của dự án thì không phải chuyện dễ.
Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc CIRUM cho biết: thách thức lớn nhất với người dân là phải chặt bỏ bạch đàn, hiểu được lợi ích dài lâu của việc tham gia vào mô hình trồng rừng, vừa đảm bảo kế sinh nhai của người dân địa phương, bảo tồn và phát triển văn hoá bản địa, vừa bảo vệ tính đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững của cộng đồng. Cụ thể là thuyết phục bà con trồng mới các giống cây có nguồn gốc bản địa như lim xanh, lát… Sau nhiều nỗ lực của lãnh đạo huyện Hữu Lũng, cùng với cán bộ kỹ thuật của CIRUM, từ mô hình rừng cộng đồng với 12 hộ dân, tới nay, đã có 42 hộ gia đình khác tham gia, đưa tổng số diện tích rừng trồng mới lên tới 70%, nhiều cây sinh trưởng tốt, chiều cao trên 1m. Không chỉ vậy, qua công tác tuyên truyền và tư vấn của cán bộ kỹ thuật, nhiều hộ trồng bạch đàn đã sẵn sàng chặt bỏ bạch đàn để trồng lim, lát.
Sau một thời gian thực hiện dự án (bắt đầu tư năm 2010), diện tích rừng bạch đàn dần thu hẹp, diện tích rừng tự nhiên tăng. Tâm sự về lợi ích của việc tái tạo lại rừng tự nhiên, ông Hứa Văn Nhẳng, thôn Hố Mười, xã Minh Sơn cho biết: Trồng lim, trồng lát là đầu tư lâu dài, đầu tư cho thế hệ sau, lợi ích không thể tính bằng tiền. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con sẽ cố gắng trồng thật nhiều cây gỗ quý.
Được sự đồng thuận của nhân dân, chắc chắn diện tích rừng tự nhiên ở Hữu Lũng sẽ đạt trên 600 ha trong thời gian tới, đạt mục tiêu tới năm 2015 sẽ bao phủ 55% diện tích rừng tái sinh trên địa bàn.
Trí Dũng
Ý kiến ()