Hữu Lũng: Tái đàn lợn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học
(LSO) – Từ khi dịch bệnh tả lợn châu Phi được khống chế, người chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã từng bước khôi phục sản xuất. Việc tái đàn được tiến hành thận trọng nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh và hạn chế thấp nhất các rủi ro xảy ra.
Gia đình ông Nguyễn Hồng Minh, thôn Cã Trong, xã Minh Sơn là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề (khoảng 2 tỷ đồng) từ bệnh dịch tả lợn Châu Phi năm 2019. Sau khi dịch lắng xuống, ông Minh đã đầu tư mua lợn nái để sản xuất lợn giống. Trước khi vào tái đàn, ông đã thông tin với thôn, xã. Ông còn chủ động phun tiêu độc khử trùng, phun vôi bột không chỉ riêng khu vực chuồng nuôi mà còn phun cách chuồng nuôi từ 100 đến 150 m. Khi chăn nuôi, ông thực hiện cách ly hoàn toàn, không cho người lạ vào khu vực chuồng nuôi; hằng ngày, ông vệ sinh sát trùng dụng cụ chăn nuôi; thu gom và xử lý chất thải… Ông Minh cho biết: Nhờ gia đình thực hiện tốt khâu khử trùng nên đàn lợn của tôi sinh trưởng, phát triển đều. Vừa qua, tôi xuất bán 500 con lợn giống với giá 3,6 triệu đồng/con, trừ chi phí, thu về khoảng 1,4 tỷ đồng. Tới đây, tôi sẽ tăng đàn lên 70 con lợn nái và tiếp tục duy trì chăn nuôi an toàn để từng bước thu hồi vốn.
Người dân xã Đồng Tiến (Hữu Lũng) chăm sóc đàn lợn
Không chỉ có sự thận trọng trong quá trình tái đàn, người chăn nuôi ở huyện còn chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Đơn cử như ở xã Đồng Tiến (địa bàn có hơn 200 hộ nuôi với 1.200 con lợn), nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn đã định kỳ phun tiêu độc khử trùng 2 lần/tuần; thường xuyên rắc vôi bột khử khuẩn; sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chuồng trại… Ông Ngô Xuân Hội, thôn Liên Phương, xã Đồng Tiến cho biết: Tôi đang có gần 50 con lợn nái và 200 con lợn thịt. Nhờ được nhân viên thú y tuyên truyền, hướng dẫn tôi tuân thủ nghiêm túc quy trình chăn nuôi an toàn. Không chỉ thế, trước khi tái đàn, gia đình tôi còn đầu tư xây chuồng trại khép kín, có hệ thống làm mát… Tháng 7/2020, tôi xuất bán 140 con lợn thịt với tổng trọng lượng gần 18 tấn với giá bình quân 87.000 đồng/kg, trừ chi phí thu nhập khoảng 700 triệu đồng.
Ngoài 2 gia đình trên, hiện nay, các hộ chăn nuôi tại Hữu Lũng cũng đang dần phục hồi sản xuất dù tỷ lệ tái đàn chưa đồng đều. Theo số liệu từ cơ quan chức năng, hiện tại, tổng đàn lợn của huyện là 27.100 con, tăng gần 51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các xã có tỉ lệ tái đàn cao như: Đồng Tiến, Yên Bình, Thiện Tân, Vân Nham, Minh Hòa, Minh Sơn… với quy mô từ 10 đến 20 con lợn thịt/lứa, lớn hơn là từ 100 đến 200 con lợn thịt/lứa.
Để người dân tái đàn lợn an toàn, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con kỹ thuật tiêm các loại vắc-xin phòng các loại bệnh: dịch tả lợn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng… Đồng thời, hỗ trợ các hộ chăn nuôi thuốc phun tiêu độc khử trùng. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã cấp phát cho bà con 700 lít thuốc sát trùng để phun tiêu độc khử trùng tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn.
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện về việc tái đàn lợn, phòng tích cực phối hợp với cơ quan, đơn vị chuyên môn triển khai các biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn an toàn. Theo đó, yêu cầu trước khi tái đàn, các hộ chăn nuôi phải xin ý kiến của UBND xã; phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi, nhất là tại những vùng, những hộ đã bị ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi; chú trọng mua giống đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh; thường xuyên xử lý chất thải để đảm bảo đúng yêu cầu, kỹ thuật trong chăn nuôi. Cùng đó tích cực hướng dẫn bà con chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học; bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa và sức đề kháng cho lợn, đồng thời thực hiện nghiêm ngặt các khâu trong quy trình chăn nuôi. Với những biện pháp trên, có thể khẳng định đến hiện tại, đàn lợn trên địa bàn phát triển an toàn, khỏe mạnh.
Ý kiến ()