Hữu Lũng: Siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản
- Để từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, từ năm 2023 đến nay, huyện Hữu Lũng đã triển khai nhiều giải pháp siết chặt công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Hiện trên địa bàn huyện Hữu Lũng có 25 mỏ khai thác khoáng sản được cấp phép còn hiệu lực. Trong đó có 21 mỏ khai thác đá, 2 mỏ cát và 2 mỏ đất.
Đây là huyện có số lượng mỏ khai thác khoáng sản lớn nhất toàn tỉnh (chiếm hơn 40% toàn tỉnh). Thời gian qua, tình trạng vi phạm các quy định trong quá trình khai thác vẫn còn diễn biến phức tạp. Điển hình là một số doanh nghiệp khai thác không đúng thiết kế đã được phê duyệt; khai thác vượt phạm vi ranh giới, công suất cho phép... Nguyên nhân của tình trạng trên là do khoảng 2 năm trở lại đây, nhu cầu của thị trường về đá xây dựng tăng cao, công suất khai thác của các mỏ cũng tăng lên. Trong khi đó, công tác quản lý chưa được quan tâm đúng mức; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý và tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật chưa được thường xuyên, kịp thời và triệt để.
Trước thực tế trên, từ đầu năm 2023 đến nay, UBND huyện Hữu Lũng đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) triển khai các giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Ông Cao Văn Hoà, Trưởng Phòng TNMT huyện cho biết: Phòng đã tham mưu UBND huyện gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Cùng đó, phòng phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho chủ doanh nghiệp. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để trực tiếp kiểm tra hoạt động của các điểm mỏ và kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm theo quy định.
Theo đó, trong năm 2023, Phòng TNMT huyện đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra 11 cuộc đối với các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn.
Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra đã xử lý 8 doanh nghiệp vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác (tăng 6 doanh nghiệp so với năm 2022) với tổng số tiền phạt và truy thu lợi bất hợp pháp là gần 700 triệu đồng (gấp gần 5 lần so với năm 2022). Cùng đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện đã kiểm tra, xử phạt và truy thu trên 1,3 tỷ đồng đối với 5 doanh nghiệp vi phạm (gấp gần 2 lần cả năm 2023).
Trong quá trình kiểm tra, các đơn vị đã trực tiếp tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường... đến các chủ doanh nghiệp. Ngoài ra, Phòng TNMT thường xuyên trao đổi với lãnh đạo UBND các xã, thị trấn để nắm bắt các phản ánh, kiến nghị từ cơ sở khi có dấu hiệu vi phạm.
Theo Phòng TNMT huyện, từ công tác tuyên truyền, kiểm tra của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ngày càng chấp hành nghiêm túc các quy định trong khai thác.
Đơn cử như tại xã Yên Vượng, có 4 mỏ đá được cấp phép hoạt động với tổng công suất khoảng 400.000 m3/năm. Ông Phạm Mạnh Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thịnh An Bình cho biết: Hiện tại, toàn bộ diện tích khai thác 12,8 ha đã được công ty triển khai cắm các mốc phân định ranh giới. Trong quá trình khai thác, công ty luôn quán triệt đội ngũ công nhân không khai thác ngoài phạm vi các mốc giới và tiến hành giám sát hằng ngày. Đối với hoạt động nổ mìn, doanh nghiệp luôn thông báo tới người dân lân cận về khung giờ thực hiện, đồng thời trước khi nổ mìn sẽ kiểm tra toàn bộ khu vực để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, công ty đã thành lập tổ giám sát với 4 thành viên theo dõi quá trình nổ mìn để đảm bảo kỹ thuật, thiết kế. Cùng với việc tuân thủ các quy định trong khai thác, công ty tổ chức tập huấn định kỳ theo quý, theo năm cho toàn thể đội ngũ người lao động về tuân thủ quy định trong an toàn lao động.
Tương tự, điểm mỏ khai thác đá của Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh khoáng sản T&C, thôn Lân Luông, xã Đồng Tiến cũng đã chủ động đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác.
Ông Trần Văn Ca, Giám đốc doanh nghiệp trên cho biết: Công ty đã thành lập tổ giám sát nội bộ về quy trình khai thác, chế biến và đảm bảo an toàn lao động. Bên cạnh đó, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ phun sương áp suất thấp để xử lý ô nhiễm bụi trong khâu chế biến đá nguyên khai thành đá vật liệu. Qua đó, giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng trong quá trình khai thác đến môi trường và người dân sinh sống ở lân cận khu vực khai thác.
Theo ông Phạm Văn Tuyển, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến, trên địa bàn xã hiện có 6 mỏ khai thác đá đang hoạt động với công suất từ 100.000 - 120.000m3/năm/mỏ. Để kịp thời trao đổi thông tin cũng như phổ biến các quy định mới đến các doanh nghiệp khai thác, UBND xã đã lập nhóm Zalo gồm lãnh đạo UBND xã và các chủ doanh nghiệp, đại diện các thôn trên địa bàn xã. Trên cơ sở đó, khi có dấu hiệu vi phạm trong khai thác đá, lãnh đạo UBND xã và cán bộ chuyên môn sẽ chủ động cùng với người dân xác minh và có biện pháp xử lý, khắc phục. Nhờ đó, các doanh nghiệp về cơ bản đều chấp hành nghiêm túc các quy định trong quá trình khai thác như: phạm vi khai thác; quy trình khai thác, chế biến; công tác đảm bảo an toàn lao động.
Với việc siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, tin rằng trong thời gian tới, công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn huyện Hữu Lũng sẽ đạt được kết quả tích cực. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ý kiến ()