Hữu Lũng sản xuất na an toàn
LSO- Xác định na là cây chủ lực có giá trị kinh tế cao, năm 2018, huyện Hữu Lũng đã phát động chăm sóc cây và quả na theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo sản phẩm na sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến tay người tiêu dùng.
Gia đình ông Chu Ngọc Lợi, thôn Đồng Lai, xã Đồng Tân đã trồng na được 18 năm và khoảng 8 năm trở lại đây, gia đình ông thực hiện việc trồng, chăm sóc na theo đúng quy trình kỹ thuật, từ bón phân, đốn tỉa cành đến phòng trừ sâu bệnh hại… hằng năm, 400 cây na của gia đình đều cho thu khoảng 4 tấn quả, đem về nguồn thu từ 100 đến 120 triệu đồng/năm. Ông Lợi cho biết: Xác định sản xuất na an toàn trước hết là cho chính gia đình mình nên gia đình tôi luôn sản xuất na theo quy trình. Năm 2018, sau khi được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện tập huấn kỹ thuật, vận động ký cam kết sản xuất na an toàn, gia đình rất phấn khởi và nhất trí ký cam kết, thực hiện đúng theo quy trình.
Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng hướng dẫn kỹ thuật sản xuất na an toàn cho người dân xã Đồng Tân
Bên cạnh tập huấn kỹ thuật, cơ quan chức năng của huyện còn hướng dẫn các hộ trồng na ký cam kết sản xuất na an toàn tại 8 xã có diện tích na nhiều nhất là: Yên Vượng, Yên Sơn, Hòa Lạc, Cai Kinh, Minh Tiến, Nhật Tiến, Đồng Tân, Yên Thịnh với diện tích khoảng 1.000 ha, hướng tới mục tiêu 100% các hộ trồng na trên địa bàn huyện cam kết sản xuất an an toàn. Năm 2018, huyện chọn xã Cai Kinh để xây dựng mô hình sản xuất na an toàn theo hướng VietGAP với diện tích 25 ha, hơn 50 hộ tham gia. Ông Nông Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Cai Kinh cho biết: Hiện toàn xã có 172,98 ha na, trong đó, diện tích cho thu là 167,98 ha, năm 2017, sản lượng na toàn xã đạt khoảng 2.000 tấn, ước đạt trên 50 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ thu nhập khoảng 60 triệu đồng, điển hình có hộ thu được trên 600 triệu đồng. Bước đầu khi triển khai trồng na theo hướng VietGAP, người dân chưa hiểu hết được tầm quan trọng, nhưng qua tuyên truyền người dân đã hiểu rõ na VietGAP là sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Năm 2019, xã sẽ mở rộng diện tích từ 50 đến 100 ha để bà con thực hiện theo đúng quy trình VietGAP.
Toàn huyện Hữu Lũng hiện có 1.315,46 ha na, trong đó có 1.174,76 ha diện tích cho thu hoạch. Năm 2017, sản lượng na đạt 13.511,58 tấn, 24/26 xã, thị trấn trồng na. Vào trung tuần tháng 8/2018, khi quả na vào vụ, huyện sẽ tham gia 9 gian hàng, trong đó có 8 gian hàng của 8 xã có diện tích na lớn trong huyện và 1 gian trưng bày sản phẩm nông sản của huyện tại ngày hội na Chi Lăng; tham gia tuần lễ quảng bá sản phẩm na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn tại Hà Nội. Để chuẩn bị tốt cho việc này, thời điểm này, huyện Hữu Lũng đang tập trung đẩy mạnh các bước thực hiện để đảm bảo đạt kế hoạch đề ra.
Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng cho biết: Na là một trong những cây chủ lực của huyện, những năm trước đây, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, thu hái na… cho người dân các xã. Năm nay là năm đầu tiên huyện phát động sản xuất na an toàn trong toàn huyện theo Thông tư 51 của Bộ NN&PTNT, bước đầu, huyện chỉ đạo trọng tâm 8 xã có diện tích na lớn. Sắp tới, phòng sẽ phối hợp với xã và các cơ quan chuyên môn kiểm tra ngẫu nhiên 20% diện tích trồng na của các hộ đã ký cam kết, mục đích cuối cùng là để tạo ra sản phẩm na sạch, có chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con, qua đó góp phần xây dựng, khẳng định thương hiệu và sự phát triển bền vững của quả na – sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện trên thị trường.
Hoàng Hồng - Nguyễn Nhiên (Hữu Lũng)
Ý kiến ()