Hữu Lũng: Rừng vàng lá - người dân "đỏ mắt"
- Thời gian gần đây, tại nhiều hộ dân trồng bạch đàn trên địa bàn huyện Hữu Lũng xuất hiện tình trạng cây bạch đàn bị xoăn lá, cháy lá, kém phát triển.
Ngày 16/7, chúng tôi khảo sát thực tế tại rừng bạch đàn của một số hộ dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Có mặt tại rừng bạch đàn của ông Lý Văn Thanh, thôn Đầu Cầu, xã Vân Nham, chúng tôi nhận thấy nhiều cây bạch đàn bị cháy lá, héo khô.
Ông Thanh cho biết: Gia đình tôi trồng bạch đàn hơn 20 năm, trải qua 4 chu kỳ kinh doanh, trung bình mỗi chu kỳ (4 – 5 năm) khai thác thu được trên dưới 300 triệu đồng. Bước sang chu kỳ thứ 5, gia đình chuyển sang trồng keo. Sau khi khai thác, đến năm 2022, gia đình tiếp tục trồng bạch đàn, chủ yếu là loại giống C26, C29. Hai năm đầu, cây sinh trưởng phát triển tốt, nhưng đến năm thứ 3, cây bắt đầu có hiện tượng xoăn lá, chết lá và héo khô, cây phát triển kém. Hiện tại, toàn bộ diện tích hơn 2ha cây bạch đàn của gia đình đều xảy ra tình trạng trên. Nếu khai thác cũng chỉ thu về được khoảng 20 triệu đồng, không đủ tiền cây giống và phân bón.
Cùng với hộ gia đình kể trên, rừng bạch đàn của gia đình ông Lưu Văn Kháy, thôn Hố Mười, xã Minh Sơn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Kháy than thở: Trước đây trồng bạch đàn hiệu quả lắm, nhưng thời gian gần đây, bạch đàn trồng được năm thứ 3 trở đi có hiện tượng cháy lá, cây còi cọc kém phát triển. Hiện tại, 0,5 ha rừng bạch đàn này tôi đã xuống 2 lần phân bón, tuy nhiên, cây vẫn không phát triển, giờ chặt đi cũng chưa biết trồng loại cây gì.
Trao đổi với một số hộ dân, chúng tôi được biết, những năm qua, hiệu quả kinh tế từ trồng bạch đàn tương đối cao, trung bình 1 ha với chu kỳ trồng từ 5 – 6 năm cho người dân thu hoạch từ 150 đến 180 triệu đồng. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, cây bạch đàn có hiện tượng còi cọc, kém phát triển, xoăn lá, cháy lá. Nhiều hộ dân đã phải chặt đi trồng lại nhiều lần, nhưng đến năm thứ 3, cây tiếp tục có dấu hiện như trên.
Không chỉ tại các hộ dân, theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích trồng cây bạch đàn của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc trên địa bàn huyện Hữu Lũng cũng xảy ra hiện tượng bị xoăn lá, cây còi cọc và kém phát triển trên diện rộng. Hiện nay, trong tổng hơn 4.000 ha rừng (gồm keo và bạch đàn) thì có hơn 1.200 ha cây bị bệnh. Điều này gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho công ty.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hữu Lũng, hiện trên địa bàn huyện có trên 18.700 ha rừng sản xuất, trong đó, có hơn 60% là cây bạch đàn. Từ đầu tháng 5/2024, đơn vị đã nhận được phản ánh từ Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đông Bắc về tình trạng cây bị nhiễm bệnh. Ngay khi tiếp nhận phản ánh, đơn vị đã khẩn trương rà soát diện tích cây bạch đàn bị nhiễm bệnh trên địa bàn. Theo ghi nhận bước đầu, tình trạng trên đã xuất hiện tại một số xã như: Vân Nham, Đồng Tân, Thiện Tân, Hòa Thắng, Minh Sơn...
Qua đánh giá sơ bộ từ Phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng, cây bạch đàn có hiện tượng trên là do bị nhiễm nấm bệnh bởi tập quán canh tác thuần loài nhiều năm của người dân.
Cây bạch đàn có ưu điểm là lớn nhanh, chỉ trong chu kỳ từ 5 – 6 năm đã được cho khai thác, giá thành cao, đầu ra ổn định. Khai thác xong, người dân không phải trồng mới mà cây tự tái sinh từ chồi gốc, do vậy, các chu kỳ sau chí phí sản xuất tương đối thấp. Tuy nhiên, trồng nhiều chu kỳ bạch đàn khiến cho đất khô kiệt nước, nghèo chất dinh dưỡng, tán lá bạch đàn chứa tinh dầu khi rụng xuống gây thoái hóa đất, hạn chế đa dạng thảm thực vật.
Khi chất dinh dưỡng kém, tính kháng bệnh của cây cũng không cao. Biết được điều này, nhưng vì hiệu quả kinh tế cao nên nhiều năm qua, nhiều người dân trên địa bàn vẫn canh tác độc canh cây bạch đàn, việc luân canh cây trồng chưa thực sự được chú trọng.
Bà Nông Thị Huyền Trang, Phó Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hiện nay, phòng đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, kiểm tra một số vị trí rừng trồng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đông Bắc, kết quả kiểm tra cho thấy, không chỉ cây bạch đàn mà một số cây keo cũng bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân sơ bộ là do người dân canh tác thuần loài lâu năm, tính kháng bệnh của cây trồng không cao và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến nấm bệnh phát triển mạnh. Trước thực tế đó, phòng đã có thông báo gửi UBND các xã, thị trấn phòng trừ bệnh trên bạch đàn, đồng thời tuyên truyền người dân các biện pháp kỹ thuật phòng trừ, cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loài cây gỗ lớn như: lát, quế, sấu...
Thời gian tới, bên cạnh những giải pháp của ngành chức năng huyện, thiết nghĩ, UBND các xã cần chủ động, tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện rà soát các diện tích bị nhiễm bệnh để có giải pháp xử lý. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân thực hiện cải tạo đất, luân canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp phù hợp, góp phần nâng hiệu quả kinh tế từ lâm nghiệp.
Ý kiến ()