Hữu Lũng quan tâm phát triển du lịch
Huyện Hữu Lũng có 7 dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Hoa, Dao, Cao Lan và Sán Chỉ sinh sống tại 26 xã, thị trấn. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa bản sắc riêng. Trên địa bàn huyện có các loại hình văn hóa phi vật thể đã được bảo tồn, thu hút sự chú ý của du khách như: hát pá xoan của dân tộc Dao, hát nhà tơ (hát cửa đình), hát then của dân tộc Tày- Nùng, diễn Chèo cổ, trang phục dân tộc Dao… Hữu Lũng có 12 di sản văn hóa nổi tiếng; đặc biệt là các điểm di tích tâm linh. Ngoài ra trên địa bàn còn có 2 điểm du lịch được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1224 ngày 22/7/2015 là đền Bắc Lệ và đền Quan Giám Sát.
Trên địa bàn huyện có hệ thống hang động núi đá vôi kỳ vĩ, rừng đặc dụng Hữu Liên; trong đó có 2 khu rừng nguyên sinh, với 776 loài thực vật, trên 30 loài trong số đó được xếp vào sách đỏ; có 409 loài động vật quý hiếm. Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hữu Lũng phát triển du lịch.
Trong 5 năm trở lại đây, hệ thống đường giao thông đến các xã được đầu tư, đi lại thuận lợi. Cùng với đó các cơ sở kinh doanh dịch vụ, đặc biệt hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ trên địa bàn huyện phát triển khá đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và dừng chân của du khách. Bình quân trong 3 năm qua, mỗi năm lượng khách đến địa bàn huyện ước đạt từ 650.000 – 800.000 lượt khách. Trong đó khách du lịch tâm linh chiếm khoảng 70%; tổng doanh thu ước đạt 60 – 75 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho 400 – 500 lao động trực tiếp và gián tiếp.
Mô hình Khu nhà sàn Hữu Liên khai thác làm dự án du lịch cộng đồng
Thực hiện Quyết định 358 ngày 23/2/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Khu lưu trú nhà nghỉ dưỡng sinh thái Hữu Liên, huyện hoàn thành và đưa 5/14 nhà thuộc Đề án Phát triển mô hình du lịch cộng đồng xã Hữu Liên vào khai thác phục vụ khách du lịch, nhờ vậy lượng khách đến địa bàn huyện tăng đáng kể. Trong 5 tháng đầu năm 2018, lượng khách du lịch đến địa bàn huyện ước đạt 650.300 lượt khách; trong đó khách nội địa 650.000 lượt, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng tại mô hình du lịch cộng đồng Hữu Liên thu hút khoảng 200 lượt khách, trong đó khách nước ngoài chiếm tới 70%.
Hiệu quả kinh tế – xã hội thu được từ hoạt động du lịch bước đầu có khả quan, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh. Để thực hiện Nghị Quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ đầu năm 2018 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch phát triển du lịch. Mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm của huyện đề ra trong 3 năm tới là: hoàn thành việc quy hoạch các khu, điểm du lịch; xác định các tuyến du lịch trọng điểm. Đồng thời xây dựng Đề án Phát triển du lịch cấp huyện, trong đó tập trung phát triển loại hình du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; phát triển các khu du lịch, dịch vụ mua sắm gắn với các khu sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản sạch; kết nối điểm du lịch trên địa bàn huyện với các vùng phụ cận để hình thành các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh.
Theo đó, huyện xây dựng một số giải pháp trọng tâm thực hiện từ nay đến năm 2020 như: củng cố, xây dựng các điểm, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch bằng nhiều nguồn, trong đó chú trọng xã hội hóa; quan tâm đến môi trường, cảnh quan các điểm du lịch và di tích bảo đảm tiêu chí xanh, sạch, đẹp; huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông vào các tuyến du lịch trọng yếu; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động du lịch…
Ông Trần Quốc Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đang tập trung chỉ đạo các xã có tiềm năng, thế mạnh tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong nhân dân tham gia đầu tư; từng bước tạo lập xây dựng môi trường du lịch bền vững; chú trọng chất lượng phục vụ khách du lịch; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm; giữ gìn vệ sinh môi trường.
Ý kiến ()