Hữu Lũng: Phát triển thương mại, dịch vụ vùng nông thôn
(LSO) – Những năm gần đây, lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện Hữu Lũng phát triển mạnh, không chỉ riêng khu vực thị trấn Hữu Lũng hay dọc tuyến quốc lộ 1A mà tại các xã, cụm xã đều phát triển đa dạng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân vùng nông thôn.
Nhận thấy nhu cầu của người dân ngày càng lớn, năm 2010, ông Nguyễn Văn Lợi, thôn Bắc Lệ, xã Tân Thành đã mở cửa hàng chuyên buôn bán vật liệu xây dựng. Ông Lợi cho biết: Từ năm 2015, sức mua của người dân bắt đầu tăng mạnh, gia đình tôi đã mở rộng quy mô, nâng từ hơn 200 mặt hàng lên hơn 300 mặt hàng kinh doanh. Bên cạnh cửa hàng, chúng tôi còn mở thêm xưởng chuyên sản xuất gạch, giải quyết việc làm cho 5 đến 7 lao động với thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng.
Người dân xã Đồng Tân chọn mua sản phẩm tại cửa hàng tạp hoá trên địa bàn
Ngoài cửa hàng của ông Lợi, hiện trên địa bàn xã Tân Thành có 237 hộ kinh doanh, tập trung chủ yếu tại thôn Bắc Lệ là thôn trung tâm của xã. Tổng giá trị kinh doanh năm 2020 của các cơ sở này ước đạt trên 38 tỷ đồng. Ông Phùng Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Những năm qua, lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực. Gần đây, du lịch tâm linh phát triển, du khách đến với đền Bắc Lệ ngày một tăng, kéo theo đó là hàng loạt dịch vụ phát triển. Cùng đó, sau khi chợ Bắc Lệ mới được hoàn thiện, đưa vào sử dụng và tuyến đường huyện 96, đường tỉnh 245 hoàn thành thi công, hàng loạt các cửa hàng, nhà hàng đã mọc lên, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Nếu như trước đây, hoạt động thương mại, dịch vụ chủ yếu tập trung tại khu vực thị trấn Mẹt, thì nay mạng lưới mở rộng khắp các xã trên địa bàn huyện. Điển hình như các xã: Tân Thành, Vân Nham, Yên Bình, Cai Kinh, Đồng Tân, Yên Vượng…
Bà Phạm Thị Ngân, người dân thôn Phổng, xã Vân Nham cho biết: Trước đây, trong thôn chỉ có 1 số cửa hàng tạp hoá, nhiều mặt hàng phải ra thị trấn Hữu Lũng hoặc thị trấn Kép (Lạng Giang, Bắc Giang) để mua. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các cửa hàng ở xã mở rộng quy mô kinh doanh với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đơn cử như mặt hàng đồ điện tử, trong thôn đã có ít nhất 3 cửa hàng kinh doanh với mẫu mã đa dạng, chất lượng đảm bảo, giá cả ổn định.
Để mở rộng mạng lưới phát triển thương mại, dịch vụ, trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền huyện Hữu Lũng đã phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, tập trung vào hệ thống đường giao thông và chợ. Theo đó, hàng loạt các tuyến đường đến trung tâm xã được đầu tư và các chợ được quy hoạch, xây mới như: chợ Bắc Lệ, chợ Phổng… Được biết, hiện nay, các chợ đang hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mô hình quản lý cũ sang mô hình quản lý mới với sự tham gia vận hành của các hợp tác xã.
Nhằm đảm bảo chất lượng, bình ổn giá cả, tạo điều kiện để hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn phát triển bền vững, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời ngăn chặn những hành vi buôn bán hàng giả, kém chất lượng.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Hữu Lũng cho biết: Thương mại dịch vụ có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội huyện phát triển. Trong những năm tới, phòng tiếp tục chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất để khai thác tốt tiềm năng phát triển thương mại dịch vụ. Trong đó, tập trung khai thác hiệu quả các chợ nông thôn, tạo điều kiện để các hộ dân đăng ký kinh doanh, mở mới cũng như tăng quy mô cơ sở hoạt động, thúc đẩy thương mại, dịch vụ vùng nông thôn phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế – Hạ tầng, tính đến hết tháng 11/2020, toàn huyện có 6.861 hộ kinh doanh (tăng 2.111 hộ so với năm 2016). Dọc tuyến đường vào trung tâm các xã, nhiều nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, các cửa hàng buôn bán từ hàng tiêu dùng thiết yếu đến vật liệu xây dựng, gia công cơ khí, vật tư nông nghiệp… mọc lên san sát. Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ trên địa bàn huyện ước đạt 5.017 tỷ đồng (tăng 1.297 tỷ đồng so với năm 2016). |
Ý kiến ()