Hữu Lũng: Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại
LSO- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tình hình kinh tế – xã hội huyện Hữu Lũng có sự phát triển vượt bậc. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp từng bước phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.
Ông Lưu Văn Trường, thôn Sẩy, xã Đồng Tân cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu làm ruộng, trồng ngô, đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ 2009 trở lại đây, theo định hướng của xã, tôi tập trung phát triển trồng cây nhãn. Hiện nay gia đình tôi có gần 2 ha nhãn lồng, 2 năm trở lại đây, mỗi năm thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Để có được kết quả này, tôi được cơ quan chuyên môn huyện, xã tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, qua đó cây nhãn phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ năm 2008 đến nay, xã Đồng Tân hoàn thành quy hoạch sản xuất theo vùng, hình thành các vùng sản xuất tập trung như: trồng nhãn, bưởi Diễn tại thôn Sẩy Hạ; cây cam ở thôn Đồng Heo; cây táo đại, bưởi ở thôn Bãi Vàng; cây na ở Thôn Mỏ, Gốc Me. Cùng với đó, UBND xã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC. Qua đó, tạo điều kiện bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, hình thành chuỗi liên kết sản xuất.
Mô hình trồng bưởi Diễn tại xã Đồng Tiến
Không chỉ Đồng Tân, trong lĩnh vực trồng trọt, trên địa bàn huyện đã, đang hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung như: vùng nguyên liệu tre bát độ lấy măng ở các xã: Quyết Thắng, Yên Bình, Minh Tiến, Minh Sơn, Hòa Thắng; vùng sản xuất giống cây lâm nghiệp ở các xã: Minh Sơn, Hồ Sơn, Nhật Tiến, thị trấn Hữu Lũng; vùng sản xuất cây ăn quả như trồng cam Vinh, cam Canh, bưởi Diễn tại các xã: Nhật Tiến, Tân Thành, Đồng Tân; trồng táo đại tại các xã: Cai Kinh, Hồ Sơn, Đồng Tân, Nhật Tiến, Tân Thành;…
Cùng với hình thành các vùng sản xuất tập trung, huyện quan tâm phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Công ty GOC thực hiện một số hạng mục của dự án hỗ trợ xưởng sơ chế măng bát độ trên địa bàn xã Quyết Thắng. Ngoài ra, huyện chú trọng phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, đến nay toàn huyện có 17 hợp tác xã. Qua đó, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân và doanh thu của hợp tác xã được tăng lên.
Lâm nghiệp trên địa bàn huyện có bước phát triển nhanh, hằng năm toàn huyện trồng mới trên 1.500 ha rừng, góp phần nâng độ che phủ rừng lên 55,2% năm 2017. Hiện nay, các chủ vườn ươm đã ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất. Trước năm 2013, toàn huyện có khoảng 200 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, chủ yếu sản xuất bằng phương pháp giâm hom, thì hiện nay, một số vườn ươm đã sản xuất theo phương pháp nuôi cấy mô, cho chất lượng, hiệu quả tốt, hiện toàn huyện có trên 600 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp.
Chăn nuôi có sự chuyển biến tích cực, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Trên địa bàn hình thành nhiều mô hình gia trại tập trung cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi gà tại các xã: Đồng Tiến, Minh Tiến, Tân Lập, Thiện Kỵ, Hòa Thắng; mô hình nuôi lợn tại các xã: Minh Sơn, Vân Nham…
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, huyện đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, chú trọng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng xây dựng, hình thành các vùng sản xuất tập trung có sản lượng hàng hóa quy mô lớn, ổn định trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên của từng loại cây trồng, vật nuôi; gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị và theo quy trình sản xuất đối với các nông sản có hiệu quả kinh tế cao; tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản và chế biến.
Cùng với đó, hằng năm, UBND huyện chi trên 40% phần kinh phí sự nghiệp nông nghiệp hỗ trợ cho người dân thực hiện các mô hình liên kết, phát triển sản xuất nông nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người dân. Trong giai đoạn 2008-2017, huyện mở trên 400 lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân; trên 120 lớp dạy nghề về nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, thú y cho lao động nông thôn…
Với những giải pháp hiệu quả, sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Hữu Lũng phát triển khá toàn diện. Tổng sản lượng lương thực có hạt tăng từ 36.185 tấn năm 2008 lên 48.340,6 tấn năm 2017; trồng cây quả từ 8,5 ha năm 2008 lên trên 303,9 ha năm 2017; hiệu quả sử dụng các công trình thuỷ lợi được nâng cao, đảm bảo diện tích nước tưới tiêu chủ động từ 5.500 ha năm 2008 lên trên 6.100 ha năm 2017;… Qua đó, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, hiện nay, thu nhập bình quân đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng 24,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2008.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()