Hữu Lũng phát huy hiệu quả trồng rừng sản xuất
LSO-Những năm qua, huyện Hữu Lũng đã và đang phát huy hiệu quả thế mạnh đồi rừng. Trong đó phải kể đến hiệu quả thiết thực từ trồng rừng sản xuất trong việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn.
LSO-Những năm qua, huyện Hữu Lũng đã và đang phát huy hiệu quả thế mạnh đồi rừng. Trong đó phải kể đến hiệu quả thiết thực từ trồng rừng sản xuất trong việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn.
Mô hình vườn ươm giống cây lâm nghiệp ở xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng |
Nhận thức rõ giá trị kinh tế từ rừng mang lại, những năm qua, huyện Hữu Lũng luôn quan tâm chỉ đạo các ban, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân làm tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng nói chung, rừng sản xuất nói riêng. Đồi rừng đã và đang giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương. Toàn huyện có khoảng 35.000ha rừng, trong đó có 18.000ha rừng sản xuất (gần 70% diện tích rừng sản xuất là cây bạch đàn, còn lại là cây keo). Tất cả các xã đều có rừng sản xuất. Trong đó, một số xã phong trào trồng rừng phát triển mạnh như: Minh Sơn, Tân Lập, Tân Thành, Hòa Sơn, Hòa Thắng…Rất nhiều hộ có từ 3-5ha rừng. Huyện có đến hàng trăm hộ có từ 6-10ha rừng. Thời gian thu hoạch của các cây lâm nghiệp này khá nhanh so với một số cây lâm nghiệp khác như: thông…Trồng bạch đàn chỉ từ 5-6 năm là cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch đợt 1, người dân tiếp tục chăm sóc chồi bạch đàn, sau 3-4 năm lại được thu hoạch lần 2 rồi phá đi để trồng rừng đợt mới. Nếu người dân trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật thì 1 ha rừng bạch đàn, sau 5 năm bán được từ 70-120 triệu đồng. Còn đối với cây keo thì sau 7-8 năm cho thu hoạch để trồng lứa mới, người dân bán được từ 70-100 triệu đồng/ha. Để rừng bạch đàn phát triển tốt, trong giai đoạn 1-2 năm đầu, người dân cần phát quang, vun xới, bón phân cho cây. Sang năm thứ 3 cần tiếp tục phát quang, xới đất cho cây…
Ông Lương Văn Bính, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: phong trào trồng rừng sản xuất trên địa bàn huyện đã có từ lâu, nhưng thực sự phát triển mạnh từ năm 2003 trở lại đây. Quan trọng nhất trong trồng rừng bạch đàn và keo là người dân phải chú trọng trồng, chăm sóc rừng đúng theo quy trình kỹ thuật từ khâu cuốc hố, khoảng cách giữa các hố, phát quang, vun xới, bón phân…cây sẽ sinh trưởng phát triển tốt. Với giá cả như hiện nay, từ năm 2010 trở lại đây, nhiều hộ trồng được từ 3-5ha rừng, khi khai thác đã đạt mức thu nhập từ 300-500 triệu đồng. Khi được khai thác, các chủ kinh doanh, chế biến gỗ đến tận rừng mua và trực tiếp khai thác nên người trồng rừng rất phấn khởi. Rừng khai thác đến đâu được người dân trồng lại đến đó. Thu nhập từ trồng rừng đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân, làm thay đổi diện mạo các thôn xóm.
Khi phong trào trồng rừng phát triển mạnh, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vườn ươm giống cây lâm nghiệp cung ứng cho người dân trong huyện và nhu cầu của các địa phương lân cận. Tính đến nay, toàn huyện có trên 100 vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Nếu như trên những rừng bạch đàn, keo thường ít sâu bệnh thì tại vườn ươm lại xuất hiện một số sâu bệnh hại như: bệnh nấm ở cây bạch đàn, bệnh rỉ sắt ở cây keo. Để phòng trừ các loại bệnh này, khâu phòng bệnh rất quan trọng. Chủ vườn ươm phải quan tâm vệ sinh khu vực vườn ươm, kịp thời phun thuốc để phòng trừ bệnh.
Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, không ít người dân chưa thật sự tận dụng được tiềm năng, thế mạnh đồi rừng trong phát triển kinh tế. Vì một số hộ sau khi trồng chưa quan tâm chăm sóc dẫn đến rừng không sinh trưởng, phát triển tốt, cây còi cọc, không đạt yêu cầu. Do vậy, mặc dù giá bình quân hiện nay là từ 70-120 triệu đồng/ha cây đạt theo tiêu chuẩn thì cũng có những rừng bạch đàn, keo 1ha người dân chỉ bán được khoảng 30 triệu đồng. Trước thực tế trên, để phát huy thế mạnh đồi rừng, thời gian tới, huyện Hữu Lũng tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chú trọng phát triển kinh tế rừng. Đồng thời, mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân từ khâu ươm giống, chọn giống đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ để rừng sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đem lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người trồng rừng.
ĐỨC ANH
Ý kiến ()