Hữu Lũng: Nỗi lo thiếu phòng học trước thềm năm học mới
– Hữu Lũng là một huyện có số lượng học sinh đông, quy mô trường lớp học lớn nhất trên địa bàn tỉnh, mặc dù đã được quan tâm đầu tư của các cấp, ngành về phát triển giáo dục, song nhiều năm nay, thực trạng thiếu phòng học vẫn đang diễn ra ở nhiều trường học trên địa bàn huyện.
Theo rà soát của ngành giáo dục tỉnh, Hữu Lũng là huyện có số lượng trường học lớn nhất trong tỉnh, với trên 80 đơn vị trường học, 30.000 học sinh, song cũng là địa phương có số phòng học tạm, học mượn, bán kiên cố nhiều nhất so với các huyện, thành phố trong tỉnh. Cụ thể, toàn huyện có 1.024 phòng học thì chỉ có 611 phòng kiên cố, còn 318 phòng học bán kiên cố và 95 phòng học tạm, học mượn; có 144 phòng bộ môn kiên cố và 45 phòng bán kiên cố… Những phòng học không đảm bảo đã gây khó khăn cho việc triển khai công tác giáo dục ở nhiều nhà trường trên địa bàn huyện.
Sau gần 30 năm xây dựng, phòng học tại trường mầm non Vĩnh Thịnh, thị trấn Hữu Lũng đã xuất hiện nhiều vết nứt không đảm bảo an toàn cho việc dạy và học
Để tìm hiểu, chúng tôi đến Trường Mầm non Vĩnh Thịnh, thị trấn Hữu Lũng, mặc dù là trường học ở khu vực trung tâm, nhiều trẻ theo học, song hiện nay, nhà trường đang phải dồn lớp, ghép lớp và tận dụng các phòng chức năng khác để làm lớp học cho các cháu. Cô giáo Nông Thúy Hằng, Hiệu trường nhà trường cho biết: Năm học sắp tới, trường có gần 300 trẻ theo học. Tuy nhiên, hiện nay trong tổng số 10 phóng học, có đến 4 phòng học đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Vừa qua, trường đã phải tận dụng các phòng chức năng và cả hội trường làm các lớp học tạm thời để chuẩn bị cho năm học mới.
Tìm hiểu được biết, tình trạng thiếu phòng học đã diễn ra từ lâu, nguyên nhân một phần do quy mô học sinh hằng năm tăng, nếu như năm học 2017 – 2018, toàn huyện chỉ có gần 28.000 học sinh theo học, thì đến năm học 2021 – 2022 đã tăng lên hơn 30.000 học sinh các cấp. Cùng đó, hiện nay, tại một số trường học trên địa bàn huyện sau thời gian được công nhận chuẩn quốc gia, đến nay, cơ sở vật chất xuống cấp nhưng vẫn chưa được đầu tư nâng cấp để công nhận lại chuẩn; từ năm 2015 đến nay, các chương trình đầu tư cho giáo dục trên địa bàn huyện chủ yếu dựa vào nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và ngân sách địa phương, nên còn ít và hạn chế.
Bà Phan Thị Toán, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hữu Lũng cho biết: Trước thực trạng đó, những năm qua, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu Sở GD&ĐT và UBND huyện ưu tiên các nguồn vốn xóa những phòng học xuống cấp, mất an toàn trước; tiếp đến là xây phòng học cho những đơn vị còn thiếu, hướng tới đạt chuẩn quốc gia. Cùng đó, phối hợp với chính quyền các cấp tuyên truyền, huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng trường, lớp học ở những khu vực khó khăn trên địa bàn huyện; đồng thời, tranh thủ nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để xây dựng trường, lớp học…
Cụ thể, từ năm học 2021 – 2022 đến nay, toàn ngành đã được đầu tư xây dựng mới 57 phòng, lớp học, 27 phòng chức năng, 3 nhà hành chính hiệu bộ và 2 bếp ăn bán trú cấp mầm non với tổng vốn thực hiện hơn 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số đó vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế của các trường. Bởi qua khảo sát của Phòng GD&ĐT huyện về nhu cầu của các đơn vị, trường học, toàn huyện cần bổ sung 289 phòng học ở tất cả các cấp học để thay thế các phòng học cũ đã xuống cấp và bổ sung phòng học mới cho các trường có quy mô học sinh lớn nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học trong thời gian tới.
Còn 1 tháng nữa là năm học mới 2022 – 2023 sẽ bắt đầu, nhưng đến nay việc thiếu phòng, lớp học vẫn đang là bài toán na giải đối với ngành giáo dục Hữu Lũng. Bởi vậy, trong thời gian tới, các cấp, ngành cần có giải pháp cụ thể đối với các trường còn khó khăn về cơ sở vật chất, tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục trên địa bàn huyện; kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; có kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia để đầu tư kinh phí xây dựng; tranh thủ nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu phòng học ở các trường.
Ý kiến ()