Hữu Lũng: Nhân rộng các mô hình dân vận khéo
– Thời gian qua, trên địa bàn huyện Hữu Lũng xuất hiện nhiều mô hình dân vận khéo điển hình. Phát huy hiệu quả các mô hình, cấp ủy, chính quyền các cấp đã từng bước nhân rộng những mô hình hay, tạo động lực thi đua, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị đề ra.
Những năm trước đây, vào vụ Đông Xuân, phần lớn cánh đồng tại thôn Đồng Bến, xã Cai Kinh đều bỏ không. Trước thực trạng đó, năm 2017, Chi bộ thôn Đồng Bến đã đăng ký mô hình dân vận khéo “Vận động Nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Đông Xuân”. Bà Hoàng Thị Huy, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Sau khi đăng ký, các đảng viên đã tiên phong làm gương và vận động người dân trong thôn trồng khoai tây vụ đông xuân, phân tích cho người dân hiểu rõ những lợi ích về kinh tế khi thực hiện mô hình này. Song song với đó, chi bộ phối hợp với Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông lâm nghiệp Cai Kinh thực hiện việc cung cấp giống, phân bón và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Qua 4 năm triển khai, từ một số hộ tham gia ban đầu, đến nay, trong thôn đã có 40 hộ tham gia với diện tích đạt 30 ha, thu nhập trung bình mỗi vụ của từng hộ đạt trên 20 triệu đồng, trong đó có hộ đạt gần 100 triệu đồng.
Các tuyến đường trong thôn Trường Sơn, xã Sơn Hà đều được phủ xanh bởi hoa và cây cảnh hai bên
Nhận thấy hiệu quả thiết thực, Đảng ủy xã Cai Kinh đã chỉ đạo các chi bộ trên địa bàn học tập và nhân rộng mô hình, từ đó lan tỏa đến các thôn: Ba Nàng, Làng Dãn, Đồng Ngầu… Hiện nay, vào vụ Đông Xuân, diện tích trồng khoai tây trên địa bàn xã theo mô hình này đạt từ 40 ha trở lên, hướng tới hình thành chuỗi liên kết sản xuất ổn định và bền vững.
Ngoài mô hình dân vận khéo trong phát triển kinh tế, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, các đơn vị cũng đẩy mạnh xây dựng mô hình dân vận khéo trong các lĩnh vực: xây dựng hệ thống chính trị, văn hóa – xã hội, an ninh trật tự… Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng những mô hình sát thực tiễn, phát huy hiệu quả tích cực. Điển hình trong số đó là mô hình “Vận động Nhân dân tham gia xây dựng khu dân cư kiểu mẫu” .
Trong 2 năm: 2019 và 2020, xã Sơn Hà xây dựng được 2 khu dân cư kiểu mẫu tại các thôn: Ao Đẫu, Ngòi Na; việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu thực hiện đúng phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng. Bên cạnh nguồn kinh phí được cấp (200 triệu đồng/khu dân cư), mỗi khu dân cư đều huy động người dân đóng góp được gần 300 triệu đồng và huy động hàng nghìn ngày công để cải tạo, chỉnh trang cổng thôn, nhà văn hóa, đường điện chiếu sáng thôn, trồng hoa, cây cảnh các tuyến đường.
Không chỉ xã Sơn Hà, thực hiện mô hình “Vận động Nhân dân tham gia xây dựng khu dân cư kiểu mẫu”, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 13 khu dân cư kiểu mẫu tại 6 xã nông thôn mới, trong đó người dân đóng góp trên 4 tỷ đồng. Ông Phùng Văn Keng, người dân thôn Gốc Gạo, xã Tân Thành cho biết: Năm 2018, qua tuyên truyền, vận động của các đồng chí trong ban công tác mặt trận thôn, gia đình tôi đã nhất trí hiến hơn 800 m2 để thi công tuyến đường tránh qua đền Bắc Lệ. Khi có tuyến đường này, người dân chúng tôi đi lại thuận tiện hơn, tránh được tình trạng ùn tắc khi đi lại qua đền như trước đây, vừa tạo thuận lợi cho cộng đồng, vừa góp phần xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.
Những năm qua, phong trào dân vận khéo luôn được cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Từ năm 2017 đến nay, các đơn vị đã đăng ký xây dựng hơn 300 mô hình dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, hiện nay có hơn 100 mô hình được đánh giá là điển hình và đang được nhân rộng trên địa bàn. Qua phong trào cũng xuất hiện hơn 50 tập thể và hơn 60 cá nhân điển hình dân vận khéo như: câu lạc bộ trồng măng tre Bát độ (xã Quyết Thắng); câu lạc bộ “5 không 3 sạch” của các chi hội phụ nữ; mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của ông Nông Văn Lợi (Cai Kinh), Hồ Văn Sỹ (Tân Thành), Phan Quang Đông (Yên Sơn)…
Ông Nguyễn Trọng Hiệp, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Hữu Lũng cho biết: Các mô hình dân vận khéo trên địa bàn cơ bản đều phát huy hiệu quả, trong đó, có nhiều mô hình điển hình được nhân rộng và tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Thực tế, qua xây dựng, duy trì và phát triển, các mô hình dân vận khéo đã góp phần đổi mới công tác dân vận, thực hiện tốt phương châm hướng về cơ sở, tạo đồng thuận và huy động sức dân để thực hiện các phong trào thi đua.
Thời gian tới, bên cạnh việc duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình Dân vận khéo thuộc các lĩnh vực trên, một số đơn vị sẽ xem xét đăng ký triển khai thêm những mô hình mới sát thực tiễn, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà huyện đã đề ra.
Ý kiến ()