Hữu Lũng: Nguy cơ tiềm ẩn trong vùng rừng kinh tế
LSO-Có thể khẳng định, hiện nay phát triển kinh tế rừng trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã mang lại hiệu quả cao trong sự phát triển chung của địa phương. Trên địa bàn đã hình thành vùng sản xuất rừng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên vùng nguyên liệu này vẫn tiềm ẩn những dấu hiệu phát triển chưa bền vững.
LSO-Có thể khẳng định, hiện nay phát triển kinh tế rừng trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã mang lại hiệu quả cao trong sự phát triển chung của địa phương. Trên địa bàn đã hình thành vùng sản xuất rừng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên vùng nguyên liệu này vẫn tiềm ẩn những dấu hiệu phát triển chưa bền vững.
Nông dân xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng sơ chế gỗ rừng trồng |
Cầu vượt quá cung: bán rừng non
Trong những năm qua trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã xuất hiện khá nhiều các cơ sở chế biến, chủ yếu là bóc gỗ. Nếu như cách đây hơn chục năm, khi rừng trồng đến chu kỳ khai thác, chủ rừng còn phải liên hệ với các đại lý thu mua, thì nay mọi chuyện đã khác. Rừng mới trồng đã có người đặt hàng, đến kỳ khai thác chỉ việc gọi điện. Người trồng rừng có rất nhiều lựa chọn về phương án giá, bởi nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho chế biến tăng rất cao. Anh Nguyễn Minh Giang, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bến Lường, xã Minh Sơn cho biết: để có được nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, các cơ sở chế biến gỗ như chúng tôi phải nắm rõ khu vực nào sắp và đang khai thác để liên hệ đặt hàng, giờ gỗ quý như vàng.
Hợp tác xã Bến Lường được Ban chủ nhiệm đầu tư công nghệ chế biến gỗ tương đối lớn với 3 máy bóc, công suất khoảng 20 ste, tương đương với 14m3 gỗ/máy/ngày. Tuy nhiên trong khoảng thời gian đầu Hợp tác xã còn đủ nguồn gỗ cho cả 3 máy hoạt động, đến giữa năm 2012 do khan hiếm gỗ, nên 2 máy đã phải ngừng, chỉ còn một máy hoạt động cầm chừng. Tình trạng không chỉ xảy ra đối với Hợp tác xã Bến Lường mà hầu hết các xưởng chế biến gỗ trên địa bàn huyện Hữu Lũng đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Hữu Lũng, tới đầu năm 2013, toàn huyện có 48 cơ sở chế biến gỗ được cấp phép hoạt động với 31 máy bóc 5 máy xẻ và 12 xưởng mộc. Tuy nhiên tới thời điểm này lượng máy hoạt động trong các xưởng đã chiếm tới gần một nửa do thiếu nguồn nguyên liệu.
Cầu vượt quá cung khiến nhiều chủ rừng “sốt ruột”, vì món lợi nhỏ đã bán rừng non. Anh Nguyễn Minh Giang cho biết: dân khai thác bạch đàn ngày càng sớm trước tuổi, gỗ nhỏ, chất lượng thấp, nhưng do thiếu nguyên liệu nên các cơ sở vẫn phải nhập, thậm chí vẫn phải cạnh tranh nhau từng giá một để mua được gỗ. Về tình trạng này, ông Hoàng Thế Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện xác nhận: có những rừng bạch đàn mới chỉ trồng được 3-4 năm chủ rừng đã khai thác lợi ích thì có ngay, nhưng nếu đúng chu kỳ, giá trị phải tăng gấp đôi, sự việc này cơ quan chuyên môn đã nắm, nhưng để giải quyết không phải dễ, bởi rừng sản xuất của dân, khai thác thế nào đều do chủ rừng quyết định. Trong cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 9, khi bàn về các vùng sản xuất tập trung, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã cảnh báo: cây đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển mạnh nhất thì người dân lại khai thác, Hữu Lũng cần có những giải pháp để giải quyết tình trạng này, nếu không vùng rừng nguyên liệu tập trung sẽ mất tính bền vững.
Độc canh bạch đàn: Lợi bất cập hại
Cơ cấu rừng sản xuất trên địa bàn huyện Hữu Lũng hiện nay chủ yếu là keo và bạch đàn. Đều là gỗ nguyên liệu, nhưng bạch đàn chiếm ưu thế hơn bởi ngoài băm dăm, loại gỗ này có thể sử dụng cho công nghiệp bóc gỗ, trụ mỏ, xây dựng… Trong vòng 10 năm trở lại đây diện tích rừng trồng mới của Hữu Lũng ổn định ở con số khoảng 1.700 ha mỗi năm, trong đó chủ yếu là bạch đàn, có thời điểm bạch đàn chiếm tới 80% trong tổng số diện tích trồng mới. Thực tế cho thấy bạch đàn là loại cây dễ trồng, ít kén đất và tăng trưởng nhanh, nhưng lại hấp thụ rất nhiều dưỡng chất trong đất, do đó nếu trồng thuần loài trên đất trống, đồi núi trọc, vô tình sẽ làm cho đất đai thêm nghèo kiệt sau một vài chu kỳ. Cách đây gần 3 năm, ông Hồ Tiến Thiệu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, khi ấy là Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng đã nêu thực trạng: chỉ sau một vài chu kỳ thâm canh, thậm chí ngay bản thân cây bạch đàn cũng phát sinh bệnh, làm giảm chất lượng rừng, điều này đã được minh chứng qua rất nhiều bệnh đã xuất hiện trên cây bạch đàn tại Hữu Lũng trong thời gian vừa qua.
Ông Hoàng Thế Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết thêm: hiện tại đã và đang có một số tổ chức nghiên cứu môi trường tại các vùng trồng bạch đàn trên địa bàn, tuy nhiên có thế nhận thấy được ngay là những vùng trồng nhiều bạch đàn và thâm canh qua nhiều chu kỳ thì nguồn sinh thủy ngày càng cạn nhanh chóng. Để giải quyết tình trạng này, những năm trở lại đây UBND huyện Hữu Lũng đã có chủ trương, tất cả những chương trình trồng rừng do vốn ngân sách đầu tư sẽ không trồng bạch đàn, do đó tỷ lệ bạch đàn có giảm đôi chút, nhưng thực tế là lượng giảm không nhiều bởi đối tượng trực tiếp sản xuất là người dân vẫn chuộng loại cây này do chu kỳ kinh doanh ngắn, khả năng thu hồi vốn nhanh.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp Lạng Sơn giai đoạn 2000-2010 cách đây 3 năm, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: cần phải quy hoạch hợp lý vùng cây nguyên liệu; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; quản lý chặt chẽ và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây lâm nghiệp; phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với quy hoạch về chế biến và cơ sở hạ tầng lâm sinh…Những chủ trương chỉ đạo đó cũng đã được cụ thể hóa trong quy hoạch phát triển phát triển nông nghiệp, nông thôn Lạng Sơn thời kỳ 2010-2020. Bám sát vào những chỉ đạo và quy hoạch tổng quát, hy vọng Hữu Lũng sẽ sớm có những nhóm giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để tiếp tục phát triển nhanh kinh tế lâm nghiệp, hiệu quả nhưng phải gắn liền với bền vững.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()