Hữu Lũng: Nguy cơ thiếu gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thô
LSO-Trong một chuyến công tác gần đây tại huyện Hữu Lũng, một chủ doanh nghiệp chế biến gỗ bóc có sản lượng lớn nhất nhì huyện Hữu Lũng phản ánh, hiện doanh nghiệp đang rất “đói” nguyên liệu gỗ tròn loại bạch đàn và keo để bóc tách theo đơn đặt hàng của khách hàng Hàn Quốc và Ấn Độ. Doanh nghiệp này đang phải tìm mối gỗ nguyên liệu tại các cánh rừng sản xuất thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang để phục vụ sản xuất. Hiện nay, tại huyện Hữu Lũng, hoạt động sản xuất gỗ bóc phục vụ xuất khẩu đang rất phát triển, trong khi nguồn gỗ nguyên liệu tại chỗ đã không còn đủ cho nhu cầu của các cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ thô trên địa bàn.
Xưởng chế biến gỗ của Công ty Thịnh Lộc (Hữu Lũng) |
Bất cứ ai có dịp đi qua Hữu Lũng đều bắt gặp nhiều xưởng chế biến gỗ bóc đang rất phát triển tại mảnh đất này. Theo số liệu thống kê của UBND huyện Hữu Lũng, trên địa bàn có trên 30 xưởng bóc gỗ lớn, nhỏ đang hoạt động, thu hút trên 1000 lao động vào làm việc. Theo tìm hiểu tại một số xưởng chế biến cho thấy, việc đầu tư một xưởng gỗ bóc quy mô nhỏ và vừa có chi phí khoảng 500 triệu đồng. Những năm qua, phong trào phát triển rừng sản xuất tại huyện Hữu Lũng đã có bước tiến vượt bậc. Toàn bộ khu vực đồi núi đất trên địa bàn huyện đều phát triển trồng rừng, trong đó diện tích cây keo, cây bạch đàn cao sản chiếm 2/3. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp, để thu hoạch được một lứa gỗ keo hoặc bạch đàn cao sản mất khoảng 6 đến 8 năm. Chi phí cho sản xuất 1 ha rừng khoảng 5 triệu đồng/ha gồm đầu tư cây giống, công trồng và chăm sóc. Việc phát triển trồng rừng nguyên liệu tại Hữu Lũng được khoảng 10 năm trở lại đây, hàng năm, toàn huyện trồng mới được khoảng trên 1000ha rừng sản xuất. Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng ông Hồ Tiến Thiệu cho biết, diện tích đất lâm nghiệp toàn huyện hiện có khoảng trên 35.000 ha, bao gồm khoảng 10.000 ha rừng phòng hộ, hơn 8.000 ha rừng đặc dụng Hữu Liên và có khoảng trên 15.000ha rừng sản xuất thuộc các công ty lâm nghiệp và của người dân. Dự ước sản lượng gỗ bóc của hơn 30 cơ sở sản xuất khoảng 50.000m3 gỗ/năm, trong khi nguồn cung gỗ phục vụ sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Vì thiếu nguồn cung gỗ mà nhiều cơ sở chế biến phải nhập gỗ non để sản xuất dẫn tới sản lượng và hiệu quả thấp. Từ thực tế nguồn cung nguyên liệu còn hạn chế và nhu cầu tiêu thụ gỗ nguyên liệu của các cơ sở sản xuất như hiện nay đã tạo ra môi trường sản xuất mất cân bằng và thiếu bền vững. Bên cạnh đó, việc chế biến gỗ thô cũng tạo ra sự lãng phí nguồn tài nguyên. Do sản xuất quy mô nhỏ và vừa, nhiều xưởng sản xuất đã không thể tận dụng hết các sản phẩm phụ như mùn cưa, lõi gỗ, vỏ cây để có thể chế biến các sản phẩm tương tự. Trên địa bàn huyện Hữu Lũng hiện nay duy nhất Công ty Thịnh Lộc đã đầu tư thiết bị nhà xuởng tương đối quy mô với những thiết bị công nghệ được cho là tiên tiến để phát triển sản xuất gắn với trồng rừng nguyên liệu. Tuy nhiên thực tế triển khai các dự án mở rộng sản xuất của doanh nghiệp này cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn. Nếu cứ phát triển sản xuất như hiện nay, các cơ sở chế biến không tìm được nguồn cung nguyên liệu dồi dào cho sản xuất, trong tương lai không xa nhiều cơ sở sẽ phải đóng cửa.
Công Quân
Ý kiến ()