Hữu Lũng: Nâng cao hiệu quả sản xuất từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
– Những năm qua, người dân huyện Hữu Lũng đã chủ động chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Hướng đi này góp phần nâng cao giá trị sản xuất, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Gia đình ông Hoàng Đức Bình, thôn Tự Nhiên, xã Nhật Tiến là một trong những hộ điển hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông Bình cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng cây hồng Nhân Hậu trên 1 ha đất vườn nhưng đến khi cây ra quả thì giá bán xuống thấp, không có lãi. Năm 2011, tôi đã tìm hiểu và quyết định phá bỏ vườn hồng để trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh. Trong vòng 3 năm, tôi vừa làm vừa mở rộng diện tích lên 300 gốc bưởi. Đến năm 2015, vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch. Từ đó đến nay, mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch trên 10.000 quả bưởi, thương lái đến tận vườn thu mua, thu nhập trung bình sau khi trừ chi phí đạt khoảng 100 triệu đồng/năm.
Người dân xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng chăm sóc bưởi
Cùng với hộ ông Bình, gia đình anh Hoàng Văn Hoàn, thôn Bãi Vàng, xã Đồng Tân cũng chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình. Anh Hoàn cho biết: Trước kia, trên một mẫu đất vườn, tôi chủ yếu trồng ngô nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi được sự định hướng của UBND xã và tìm tòi học hỏi mô hình sản xuất, năm 2018, tôi đã tập trung đưa giống táo Đài Loan về trồng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn táo sinh trưởng và phát triển tốt. Sau một năm, cây cho thu hoạch, sản lượng trung bình đạt từ 5 đến 7 tấn/năm, thu nhập đạt từ 80 đến 100 triệu đồng/năm.
Không chỉ hai hộ kể trên, thời gian qua, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã chủ động chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả đem lại giá trị cao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2010, trên địa bàn huyện đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm gia tăng giá trị sản xuất. Đến năm 2016, huyện đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng trở thành phong trào phát triển mạnh trên địa bàn.
Để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo các xã căn cứ vào đặc điểm tự nhiên để tuyên truyền, định hướng người dân phát triển cây trồng phù hợp. Đồng thời, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Theo đó, trung bình một năm, phòng chuyên môn huyện phối hợp tổ chức được 40 lớp tập huấn cho người dân toàn huyện. Nhờ đó, giúp bà con có thêm kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để áp dụng vào sản xuất có hiệu quả.
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Ngoài ra, từ nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn sự nghiệp nông nghiệp, mỗi năm, Phòng NN&PTNT huyện đều tổ chức 1 hoặc 2 chuyến cho người dân tại các xã tham quan mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Hải Phòng… để học tập kỹ thuật, cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Từ những giải pháp trên cùng với sự chủ động của người dân, toàn huyện đã thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất, năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện ước đạt trên 2.300 tỷ đồng, tăng hơn 260 tỷ đồng so với năm 2019. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 21,98 % (năm 2016) xuống còn 4,32 % (năm 2021). Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã từng bước hình thành vùng sản xuất xuất cây ăn quả tập trung, tạo tiền đề thực hiện liên kết sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ý kiến ()