Hữu Lũng: Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp
(LSO) – Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hữu Lũng đã tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.
Gia đình ông Hoàng Văn Kết, thôn Bãi Vàng, xã Đồng Tân trước đây chủ yếu trồng lúa, ngô, thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Năm 2015, theo định hướng của xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình ông đã đầu tư trồng cây ăn quả. Ông Kết cho biết: Năm 2015, gia đình tôi tập trung phát triển cây bưởi Diễn. Hiện nay, gia đình có hơn 350 gốc bưởi, 2 năm trở lại đây, mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Để cây trồng phát triển tốt và hiệu quả kinh tế cao, ngoài học hỏi kinh nghiệm trên mạng Internet, tôi còn được cơ quan chuyên môn huyện, xã tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả.
Người dân thôn Rừng Cấm, xã Hòa Lạc chăm sóc cây ăn quả
Hiện nay, để phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững và thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, xã Đồng Tân đã thực hiện quy hoạch, hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, tạo điều kiện liên kết bao tiêu sản phẩm như: vùng trồng táo đại, bưởi ở các thôn: Bãi Vàng, Sẩy Hạ; cây na tại thôn Gốc Me, thôn Mỏ…
Không chỉ xã Đồng Tân, trong lĩnh vực trồng trọt, huyện đã tập chung khai thác thế mạnh nông nghiệp để tạo vùng sản xuất tập chung với các sản phẩm chủ lực, có thương hiệu như: trồng táo đại (tại các xã: Cai Kinh, Nhật Tiến, Tân Thành, Đồng Tân); vùng trồng cam, bưởi Diễn (tại các xã: Nhật Tiến, Hồ Sơn, Minh Sơn…); vùng trồng na (tại xã Cai Kinh)… Trong đó, năm 2019 – 2020, huyện đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 3 sản phẩm: hoa quả tươi, măng tre Bát độ, nem nướng và có 5 sản phẩm được đánh giá, phân hạng theo tiêu chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) là: na Cai Kinh, rượu men lá Mỏ Heo đạt tiêu chuẩn 4 sao; na Yên Sơn, na Hòa Lạc, nem nướng Khôi Loan đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Hữu Lũng cho biết: Cùng với việc hình thành vùng sản xuất tập trung, huyện đã quan tâm phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, huyện đã chú trọng phát triển các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nhằm thực hiện liên kết với người dân, doanh nghiệp góp phần tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 25 HTX hoạt động (tăng 19 HTX so với năm 2015). Đặc biệt, năm 2019, huyện Hữu Lũng lần đầu tiên tổ chức ngày hội hoa quả tươi, góp phần quảng bá sản phẩm nông sản, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ.
Về lâm nghiệp, trên địa bàn huyện có bước phát triển mạnh, hằng năm huyện trồng mới khoảng 1.500 ha rừng. Các vườn ươm giống cây lâm nghiệp trên địa bàn cũng tăng qua các năm, từ 300 vườn ươm (năm 2015) lên 700 vườn ươm (năm 2020). Các chủ vườn ươm đã thực hiện ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Ông Hoàng Văn Thi, thôn Ao Đẫu, xã Sơn Hà cho biết: Từ năm 2003, tôi đã ươm cây giống lâm nghiệp, đến nay, gia đình tôi có 6 sào sản xuất keo giống. Để tăng hiệu quả sản xuất, năm 2019, tôi đã lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa cho cây trồng. Theo đó, tôi chỉ mất 30 phút đã tưới xong toàn bộ vườn ươm. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, tôi cung ứng hơn 100 vạn cây giống ra thị trường, thu nhập trung bình khoảng 250 triệu/năm.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết thêm: Để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hằng năm, phòng tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền bà con thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chú trọng hình thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn; tăng cường gắn kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, trung bình mỗi năm, phòng phối hợp tổ chức 20 lớp tập huấn lồng ghép về chuyển giao khoa học kỹ thuật, trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho hơn 1.000 lượt người tham gia.
Nhờ đó, sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện phát triển tương đối toàn diện. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 ước đạt khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng (tăng trên 160 tỷ đồng so với năm 2019); tổng sản lượng lương thực có hạt ổn định, trung bình đạt 48.300 tấn/năm; tổng diện tích trồng cây ăn quả đạt trên 5.000 ha; hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đảm bảo diện tích nước tưới tiêu chủ động từ 6.260 ha (năm 2015) lên trên 7.373 ha (năm 2020). Qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 47 triệu đồng/người/năm, tăng 19 triệu đồng so với năm 2015.
Ý kiến ()