Hữu Lũng mùa vàng
LSO-Bao giờ cũng thế, khi đợt gió lạnh đầu tiên tràn về, các địa phương khác còn đang lo rét cuối vụ thì nhân dân Hữu Lũng đã bước vào vụ gặt.
LSO-Bao giờ cũng thế, khi đợt gió lạnh đầu tiên tràn về, các địa phương khác còn đang lo rét cuối vụ thì nhân dân Hữu Lũng đã bước vào vụ gặt. Bắt đầu từ những ruộng cấy giống lúa trắng, cỡ chục ngày sau lúa đỏ cũng cho thu hoạch rộ. Năm nay tuy mưa nhiều gây ngập úng cục bộ nhưng sâu bệnh lại ít nên lúa mùa Hữu Lũng cho năng suất cao.
Nông dân thôn Làng Giãn, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng thu hoạch lúa mùa |
Theo cách gọi dân gian, vụ mùa ở Hữu Lũng chia thành 2 loại lúa. Lúa trắng là những chân ruộng mùa sớm và chân ruộng sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày, còn lúa đỏ là giống bao thai. Trong những năm qua, với sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu mùa vụ, lúa trắng ở Hữu Lũng luôn được thu sớm hơn so với trung bình toàn tỉnh cỡ già nửa tháng, trong khi đó nhờ đẩy khung thời vụ lên sớm hơn vài ngày, nên lúa đỏ cũng được thu sớm cỡ chục ngày. Theo kinh nghiệm canh tác, nếu năm nào gió mùa đông bắc về sớm, như năm nay chẳng hạn, thì lúa mùa ở Hữu Lũng hạt mẩy căng, năng suất cao hơn hẳn. Thực tế kinh nghiệm này đã được kiểm chứng trong vụ mùa năm 2011. Trong khi hầu hết các diện tích lúa mùa bị thất thu, toàn tỉnh thiệt hại 37.000 tấn lương thực do hạn và rét cuối vụ, thì ở Hữu Lũng sản lượng lương thực vụ mùa lại vượt 15% so với kế hoạch, đưa tổng sản lượng lương thực của toàn huyện năm 2011 lên xấp xỉ 50.000 tấn, chiếm gần 1/5 tổng sản lượng của cả tỉnh.
Anh Vương Văn Hậu, thôn Làng Giãn, xã Cai Kinh thoăn thoắt đưa tay cắt nốt những khóm lúa cuối cùng, giọng hào hứng: cánh đồng này hầu hết là chờ nước, năm trước hạn nên năng suất không cao lắm, nhưng năm nay mưa thuận, gió hòa hạt chắc lắm, năng suất ước tính cũng được khoảng hơn 2 tạ/sào, tương đương với trên 5,4 tấn/ha. So với năng suất bình quân của vụ mùa thì năng suất này cao hơn hẳn. Không chỉ riêng ở Cai Kinh mà hầu hết các diện tích lúa mùa ở Hữu Lũng năm nay đều dự kiến năng suất tăng. Ông Hoàng Thế Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: hiện nay diện tích cây lúa đỏ của toàn huyện đã giảm xuống chỉ còn khoảng 50%, còn lại là lúa trắng, đến thời điểm này lúa trắng đã bắt đầu được thu hoạch, còn lúa đỏ khoảng dăm ngày nữa trổ bông, năm nay mưa nhiều nên không lo hạn cuối vụ, trong khi đó thời điểm này rét cuối vụ cũng không còn ảnh hưởng nhiều tới năng suất.
Để tạo điều kiện đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, trong vòng 3 năm trở lại đây, ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chuyển dịch cơ cấu giống, Hữu Lũng còn triển khai thực hiện tốt việc điều tiết nước theo khung thời vụ. Một mặt đảm bảo nước tưới cho sản xuất, mặt khác tạo thói quen canh tác đồng loạt và đúng theo lịch gieo trồng được cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Từ đầu năm đến nay, huyện cũng đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa và đưa vào sử dụng một số công trình thủy lợi quan trọng như hồ Toàn Tâm, xã Vân Nham; đập Lân Om, thôn Hòa Bình; các trạm bơm dầu ở xã Tân Lập, Quyết Thắng, Hữu Liên…qua đó đảm bảo lượng nước điều tiết cho sản xuất. Mặt khác, ngay từ vụ xuân, từ vài năm trước đây, khung thời vụ gieo cấy đã được đẩy sớm hơn khoảng 10 ngày. Mặc dù gieo cấy sớm hơn sẽ mất công hơn cho khâu chăm sóc vì phải triển khai các biện pháp chống rét, nhưng với sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nông dân Hữu Lũng đã tương đối thuần thục các biện pháp này. Đồng thời trong những năm qua, UBND huyện Hữu Lũng đã trích kinh phí sự nghiệp nông nghiệp hỗ trợ các xã trên địa bàn hơn 90 giàn kéo tay phục vụ cho biện pháp gieo thẳng. Việc áp dụng rộng rãi biện pháp này không những làm giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất mà còn rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa xuân thêm vài ngày.
Kiên trì với nhiều giải pháp đồng bộ, mỗi năm Hữu Lũng lại rút ngắn thời vụ thêm vài ngày, tạo điều kiện đẩy sớm lịch gieo trồng vụ mùa. Theo thống kê, tổng diện tích lúa mùa năm nay của Hữu Lũng là trên 5.700ha, tương đương năm trước, nhưng sản lượng lương thực vụ này ước đạt gần 24 nghìn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()