Hữu Lũng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở
(LSO) – Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Hữu Lũng luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực với tỷ lệ hòa giải thành đạt 77,2% (cao hơn 4,9% so với tỷ lệ bình quân toàn tỉnh). Qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự, gắn kết tình cảm cộng đồng.
Giải quyết dứt điểm từ cơ sở
Đầu tháng 12/2019, bà L.T.K (thôn Cây Sấu, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng) phát hiện bát hương trên bàn thờ thổ công của gia đình bị vỡ. Do mâu thuẫn từ trước, bà L.T.K nghi ngờ bà P.T.T (cùng thôn) phá hoại nên đã nhiều lần đến nhà chửi bới, đe dọa hành hung. Sau nhiều lần bị đe dọa, ngày 17/12/2019, bà P.T.T đã viết đơn đề nghị xã giải quyết, đảm bảo sự an toàn cho các thành viên trong gia đình.
Ngay sau khi nhận được đơn, tổ hòa giải thôn Cây Sấu đã đến tìm hiểu sự việc. Ngày 18/12/2019, tổ hòa giải mời đại diện lãnh đạo xã và 2 bên gia đình đến nhà văn hóa thôn để tiến hành hòa giải. Với đầy đủ bằng chứng, tổ hòa giải thôn khẳng định: bát hương thổ công bị đổ, vỡ do ngoại cảnh tác động, đề nghị gia đình bà L.T.K xin lỗi và cam kết dừng mọi hành vi đe dọa trái pháp luật. Nghi ngờ được xóa bỏ, từ đó đến nay, hai gia đình sinh sống hòa thuận.
Tổ trưởng Tổ Hòa giải thôn Cây Sấu, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng (bên phải) tuyên truyền cho người dân quy định pháp luật về phòng chống dịch bệnh
Thực tế trên cho thấy: những vụ mâu thuẫn nếu không hòa giải kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình cảm xóm làng, an ninh trật tự thôn bản. Với kinh nghiệm hơn 11 năm làm công tác hòa giải, ông Bế Văn Liên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Cây Sấu chia sẻ: Phần lớn mâu thuẫn phát sinh có liên quan đến ranh giới đất đai, quan hệ sản xuất, bạo lực gia đình. Chuyện không lớn nhưng nếu không giải quyết kịp thời sẽ phát sinh hành vi vi phạm pháp luật, đơn thư khiếu nại vượt cấp. Vì thế, tổ hòa giải thôn luôn cố gắng giải quyết dứt điểm từ cơ sở với tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 92,3%.
Với phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất rừng, lối đi, hôn nhân gia đình… đã được các tổ viên tổ hòa giải ở các thôn, khu phố phối hợp cùng cán bộ các xã, thị trấn phân tích hợp tình, hợp lý, khéo léo vận động nhân dân để giải quyết dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp. Tính riêng năm 2019, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện Hữu Lũng tiếp nhận 325 vụ việc, trong đó, hòa giải thành 251 vụ, đạt 77,2%, cao hơn 4,9 % so với tỷ lệ bình quân của toàn tỉnh. Trong đó có một số xã có tỷ lệ hòa giải thành cao, tiêu biểu như: Hòa Sơn đạt 90,6%; Nhật Tiến đạt 90%; Cai Kinh đạt 86,1%…
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng
Để đạt được kết quả trên, UBND huyện đã chỉ đạo Hội đồng phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật huyện thường xuyên tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn, đôn đốc các tổ hoà giải ở các xã, thị trấn duy trì hoạt động; đồng thời thường xuyên kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật của cộng đồng. Đến nay, toàn huyện đã kiện toàn được 213 tổ hòa giải ở cơ sở với 1.363 thành viên (chủ yếu là những người có uy tín, ban mặt trận thôn, những người am hiểu pháp luật).
Từ năm 2019 đến nay, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức 13 hội nghị triển khai các văn bản pháp luật về: dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, phòng chống tham nhũng, tố cáo, đất đai, xử lý vi phạm hành chính, dân chủ ở cơ sở, hòa giải ở cơ sở… cho hơn 1.200 lượt người tham dự tại một số cụm xã, cụm thôn trên địa bàn; biên soạn 12 nội dung tuyên truyền gửi 100% xã, thị trấn để phối hợp tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; biên tập, phát sóng 60 tin bài, thu và in 90 đĩa gửi cho cơ sở tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Cùng với đó, các phòng, ban, Ủy ban MTTQ, các tổ chức hội, đoàn thể, công an huyện đã tích cực tuyên truyền với nhiều hình thức như: tuyên truyền lồng ghép tại các buổi họp thôn, tại các trường học, trên loa truyền thanh của thôn, khu phố 2 buổi/ngày, tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi…
Qua đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, chủ động phòng ngừa vi phạm pháp luật, từ đó hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật hình sự, dân sự, đất đai; giảm khiếu nại, tố cáo đông người, đơn thư khiếu kiện vượt cấp, góp phần tích cực vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Bà Triệu Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tư pháp huyện cho biết: Thời gian tới, Hội đồng phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, cơ quan thường trực là Phòng Tư pháp huyện tiếp tục kiện toàn lại các tổ hòa giải thôn, khu phố (sau sáp nhập); rà soát danh sách để tổ chức tập huấn pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các thành viên mới. Đồng thời tăng cường triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở thông qua nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng để từng bước đưa pháp luật hòa giải vào cuộc sống, xây dựng ý thức “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Ý kiến ()