Ông Hoàng Thế Hưng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện khái quát: thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được gần 2.000ha lúa mùa, bằng khoảng 36% tổng diện tích gieo cấy, những diện tích mùa sớm này đều sử dụng các giống lúa thuần mới ngắn ngày và lúa lai nên năng suất tương đối ổn định. Nhưng hiện tại, theo kiểm tra và đánh giá tình hình thì một phần diện tích sử dụng các giống lúa bao thai lùn truyền thống, hay gọi là giống lúa đỏ theo cách nói của địa phương thì đang gặp hạn cuối vụ, năng suất có khả năng giảm 20-30% so với vụ trước, số này tập trung ở các xã phía Đông của huyện như Hòa Thắng, Tân Thành, Hồ Sơn, Hòa Sơn…Tuy vậy, cũng có thể coi đây là việc hay, bởi bà con nông dân đã có những đối chứng thực tế về hiệu quả giữa việc sử dụng giống mới và giống cũ, từ đó đưa ra những lựa chọn tốt hơn cho vụ sau. Thời điểm này, ngoài Yên Thịnh, Nhật Tiến thì các xã như Vân Nham, Minh Tiến…cũng đang khẩn trương xuống giống thuốc lá đông với diện tích ổn định so với năm trước. Xét một cách tổng thể thì vụ mùa năm nay, Hữu Lũng vẫn tiếp túc thể hiện là một trong những địa phương có sản xuất nông nghiệp phát triển tốp đầu trong tỉnh, đặc biệt sự chuyển dịch cơ cấu giống đang diễn ra rất nhanh chóng. Mặt khác, điều rất đáng mừng là trước khi bước vào vụ đông năm nay, rất nhiều xã trên địa bàn đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đây là điều quan trọng để Hữu Lũng có thể phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn liền với thị trường tiêu thụ.
LSO-Thời điểm này, nông dân Hữu Lũng đã thu hoạch được xấp xỉ 2.000ha lúa mùa, đạt 36% so với tổng diện tích gieo trồng. Thu hoạch đến đâu, nhà nông tiến hành làm đất gieo trồng vụ đông ngay đến đó, ước tính đã được gần 40ha cây trồng các loại. Điều đáng mừng là ngay từ trước vụ đông năm nay, nhiều xã trên địa bàn đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nông dân xã Nhật Tiến (Hữu Lũng) thu hoạch lúa mùa
Anh Lê Văn Bảy thôn Làng, xã Yên Thịnh khệ nệ bê từng bao thóc ra sân phơi, anh phàn nàn: từ khi sử dụng các giống lúa mới, cái sân xi măng này trở nên quá chật chội, chẳng bao giờ đủ chỗ để phơi thóc. Kể cũng phải, ruộng lúa nhà anh có 1,2 mẫu, mấy năm trở lại đây gia đình chuyển từ giống bao thai lùn truyền thống sang canh tác giống lúa thuần chất lượng cao và lúa lai giống mới, vụ nào cũng đạt trên dưới 3 tạ/sào. Như vụ mùa năm nay, vẫn tiếp tục sử dụng các loại giống tiến bộ, không những được thu hoạch sớm, mà năng suất vẫn đạt trên 3 tạ/sào, có nghĩa là hơn 8 tấn/ha, muốn phơi thóc vừa phải cải tạo lại sân trước nhà, vừa phải nhờ hàng xóm. Nói về chuyện này, ông Hoàng Trung Tá, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thịnh cười xởi lởi: mấy năm nay, cánh đồng lúa hơn 300ha của xã hầu hết là sử dụng giống lúa mới rồi, chỉ còn chút đất bãi bà con trồng ít giống truyền thống thôi, chính vì vậy, hàng năm, năng suất lúa của Yên Thịnh luôn cao nhất nhì trong toàn huyện, vụ mùa này toàn xã đã gặt được khoảng 90%, qua thống kê gặt điểm, năng suất trung bình ước đạt 63 tạ/ha.
Cánh đồng Yên Thịnh vốn thuận lợi về thủy lợi nên thu hoạch đến đâu, nhân dân tranh thủ làm đất gieo trồng cây vụ đông ngay đến đó. Vụ đông này ở Yên Thịnh có rất nhiều điểm mới, đó là hàng loạt các diện tích ớt, dưa bao tử, ngô ngọt và bí bao tử được đưa vào sản xuất trên phạm vi rộng. Tất cả diện tích này đều đã được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, hợp đồng giá cả ngay từ đầu vụ. Sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường được coi là khó tính như Nhật Bản và Nga. Quá trình chuyển dịch cơ cấu giống ở xã Nhật Tiến chưa được nhanh như ở Yên Thịnh nên thời điểm này số diện tích cho thu hoạch cũng ít hơn, chiếm khoảng 30% trong tổng số gần 270ha. Tuy nói chuyển dịch còn chậm, nhưng đó là so với xã nhanh như Yên Thịnh, còn nếu so với mặt bằng chung của các xã trong toàn tỉnh thì Nhật Tiến cũng là một trong những xã có tỷ lệ sử dụng giống lúa mới rất cao. Vụ này theo đánh giá chung là do hạn đầu và cuối vụ, nên năng suất trung bình có giảm chút ít so với năm trước, nhưng cũng vẫn ở mức khá cao. Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã Nhật Tiến khẳng định, năng suất không thể dưới 48 tạ/hạ. Đó là tính sơ bộ, bởi thời điểm này Nhật Tiến mới đang bước vào gặt rộ. Trong vụ đông năm nay, địa phương cũng đã triển khai rất nhiều phương án, điểm mới phải kể đến là hợp đồng với doanh nghiệp tại Hải Phòng sản xuất ớt, còn thuốc lá và rau màu thì vẫn theo kế hoạch của năm trước, hầu hết diện tích đất canh tác đều được đưa vào sản xuất vụ đông.
Ông Hoàng Thế Hưng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện khái quát: thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được gần 2.000ha lúa mùa, bằng khoảng 36% tổng diện tích gieo cấy, những diện tích mùa sớm này đều sử dụng các giống lúa thuần mới ngắn ngày và lúa lai nên năng suất tương đối ổn định. Nhưng hiện tại, theo kiểm tra và đánh giá tình hình thì một phần diện tích sử dụng các giống lúa bao thai lùn truyền thống, hay gọi là giống lúa đỏ theo cách nói của địa phương thì đang gặp hạn cuối vụ, năng suất có khả năng giảm 20-30% so với vụ trước, số này tập trung ở các xã phía Đông của huyện như Hòa Thắng, Tân Thành, Hồ Sơn, Hòa Sơn…Tuy vậy, cũng có thể coi đây là việc hay, bởi bà con nông dân đã có những đối chứng thực tế về hiệu quả giữa việc sử dụng giống mới và giống cũ, từ đó đưa ra những lựa chọn tốt hơn cho vụ sau. Thời điểm này, ngoài Yên Thịnh, Nhật Tiến thì các xã như Vân Nham, Minh Tiến…cũng đang khẩn trương xuống giống thuốc lá đông với diện tích ổn định so với năm trước. Xét một cách tổng thể thì vụ mùa năm nay, Hữu Lũng vẫn tiếp túc thể hiện là một trong những địa phương có sản xuất nông nghiệp phát triển tốp đầu trong tỉnh, đặc biệt sự chuyển dịch cơ cấu giống đang diễn ra rất nhanh chóng. Mặt khác, điều rất đáng mừng là trước khi bước vào vụ đông năm nay, rất nhiều xã trên địa bàn đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đây là điều quan trọng để Hữu Lũng có thể phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn liền với thị trường tiêu thụ.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()