Hữu Lũng: Hiệu quả từ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
(LSO) – Với thế mạnh về các loại cây ăn quả, người dân huyện Hữu Lũng tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông sản trên địa bàn. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo uy tín đối với người tiêu dùng.
Huyện Hữu Lũng có điều kiện tự nhiên phù hợp với các loại cây ăn quả. Toàn huyện hiện có trên 5.000 ha cây ăn quả với các loại cây trồng chính như: na 1.500 ha, bưởi 486 ha, táo 116 ha, cam 165 ha… Để hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, huyện Hữu Lũng đã tập trung nghiên cứu các giải pháp khoa học và ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết: Những năm gần đây, cây ăn quả là thế mạnh của huyện, giúp người dân trên địa bàn nâng cao thu nhập. Sản phẩm nông sản của huyện đã được khách hàng tại nhiều tỉnh, thành phố biết đến. Chúng tôi đang khuyến khích bà con chuyển từ phương pháp canh tác truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng đến những thị trường khó tính hơn.
Nông dân xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng chăm sóc bưởi theo hướng thực hành nông nghiệp tốt
Để nông dân nắm chắc kỹ thuật chăm sóc cây trồng, Phòng NN&PTNT huyện tập trung tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như tiến bộ về khoa học công nghệ để nông dân ứng dụng vào sản xuất. Tùy theo nhu cầu của người dân, mỗi năm phòng tổ chức từ 10 đến 20 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác đối với các cây trồng chủ lực như: na, cam, mít, dứa, chuối, táo… Đồng thời khuyến khích nông dân mở rộng diện tích canh tác theo hướng GlobalGAP và VietGAP. Phòng NN&PTNT cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các hộ sản xuất thông qua các hội nghị tập huấn, cùng đó, chọn một số hộ để xây dựng mô hình điểm. Nhờ đó, nhận thức của nông dân trên địa bàn huyện được nâng lên, chủ động chuyển từ trồng cây theo phương pháp truyền thống sang các phương pháp sản xuất mới. Năm 2018, toàn huyện có 110 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay, toàn huyện có 175 ha na, 25 ha bưởi, 30 ha táo đại, 30 ha dứa, 35 ha cam sản xuất theo quy trình VietGAP; 35 ha na trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Cùng đó, huyện đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 3 sản phẩm gồm: hoa quả tươi, măng tre bát độ, nem làng Ngóc.
Anh Nông Viết Đại, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Yên Sơn, xã Yên Sơn cho biết: Lúc đầu hợp tác xã chỉ có 13 thành viên, đến nay đã có 27 thành viên với 65 ha na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ sản xuất theo quy trình kỹ thuật mới nên quả na to, đều quả, ít bị sâu bệnh, được giá cao hơn, đầu ra ổn định hơn so với na trồng theo phương pháp truyền thống. Mục tiêu của chúng tôi là những thị trường khó tính và hướng đến xuất khẩu.
Cùng đó, Phòng NN&PTNT huyện chủ động phối hợp triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả trên địa bàn. Hiện trên địa bàn huyện Hữu Lũng đang có các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được triển khai như: nghiên cứu các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại quả na; phục tráng giống mít bản địa, nhân giống mít bằng phương pháp ghép; thử nghiệm mô hình thanh long ruột đỏ; thử nghiệm các giống xoài ăn xanh XX1, GL6, DL4 chất lượng cao; mở rộng mô hình trồng chuối từ cây giống được sản xuất theo phương pháp nuôi cấy mô tế bào; thử nghiệm giống táo Đài Loan năng suất, chất lượng cao; phục tráng giống dứa bản địa…
Cùng với đó, Phòng NN&PTNT huyện khuyến khích nông dân áp dụng các phương pháp mới như: tưới nhỏ giọt, phủ ni lông trên luống, bao quả, tỉa cành, hạ độ cao các loại cây ăn quả… Ông Triệu Văn Thành, thôn Cã Trong, xã Minh Sơn cho biết: Qua hướng dẫn của Phòng NN&PTNT huyện, gia đình tôi đầu tư trồng 1.000 gốc thanh long ruột đỏ. Nhờ gia đình tuân thủ đúng quy trình mà cây cho nhiều quả, chất lượng quả tốt. So với thanh long cùng loại từ miền Nam ra thì độ ngọt cao hơn. Hiện đã có nhiều thương lái đặt mua tại vườn nên khâu tiêu thụ không gặp khó khăn.
Nhờ chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, huyện Hữu Lũng đã bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng tốt, sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các loại cây ăn quả đã mang về cho nông dân trên địa bàn nguồn thu nhập đáng kể, hiện thu nhập bình quân đầu người đã đạt 45 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2018. Thời gian tới, các cấp ngành liên quan ở huyện Hữu Lũng tiếp tục hỗ trợ nông dân liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, cùng đó mở rộng diện tích cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ý kiến ()