Hữu Lũng: Hiệu quả từ hoạt động cho vay qua tổ vay vốn
– Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Hữu Lũng (Agribank Hữu Lũng) đã triển khai hiệu quả hoạt động cho vay qua tổ vay vốn. Đến nay, mô hình tổ vay vốn đã thực sự trở thành kênh chuyển tải vốn tín dụng nhanh chóng, hiệu quả, an toàn đến người dân trên địa bàn nông thôn.
Gia đình anh Nguyễn Văn Châm, thôn Đình Bé, xã Minh Sơn mở xưởng mộc từ năm 2011, tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ, thu nhập chưa cao. Năm 2019, được sự hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn của Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn Đình Bé, gia đình anh đã làm hồ sơ vay 200 triệu đồng vốn ưu đãi của Agribank Hữu Lũng để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Anh Châm cho biết: Nhờ có vốn ưu đãi, gia đình tôi đã mở rộng diện tích nhà xưởng lên 150 m2 và mua các loại máy phục vụ nghề mộc như: máy bào, máy chà… Từ đó, gia đình tôi có thêm nhiều khách hàng và tạo việc làm cho 4 hoặc 5 lao động, thu nhập đem lại cho gia đình 200 triệu đồng/năm.
Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Đình Bé, xã Minh Sơn (bên trái) tuyên truyền tổ viên về các chương trình cho vay ưu đãi của ngân hàng
Không chỉ anh Châm, nhiều gia đình khác ở thôn Đình Bé đã được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi nhanh chóng, kịp thời thông qua tổ vay vốn. Ông Nguyễn Văn Công, Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn Đình Bé cho biết: Đến nay, tổng dư nợ của tổ là trên 1 tỷ đồng với 18 hộ vay. Các hộ vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi, làm mộc. Hiện tổ vay vốn của thôn không có nợ xấu, nợ quá hạn, tỷ lệ thu lãi đạt 100%. Để có được kết quả đó, tôi đã tích cực tuyên truyền đến các hộ vay về chương trình vay vốn của ngân hàng; hằng tháng, tôi đôn đốc, đến nhà các hộ vay để thu lãi, đồng thời tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, những khó khăn để kịp thời báo cáo với ngân hàng có biện pháp khắc phục, giúp họ yên tâm sử dụng vốn.
Cùng với Tổ vay vốn thôn Đình Bé, các tổ vay vốn khác trên địa bàn huyện đã góp phần giúp nguồn vốn của ngân hàng nhanh chóng được chuyển tải đến người dân đầu tư phát triển sản xuất. Theo đó, các tổ trưởng thường là trưởng thôn, nắm rõ điều kiện, hoàn cảnh từng gia đình trong thôn để có sự giúp đỡ phù hợp. Khi người dân trong thôn có nhu cầu vay vốn, tổ trưởng tổ vay vốn chủ động hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục cần thiết, sau đó đề xuất với cán bộ tín dụng ngân hàng để thẩm định và lập hồ sơ. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 242 tổ vay vốn với 2.923 khách hàng đang vay vốn tại 22/25 xã.
Bà Trịnh Thị Thu Ngân, Phó Giám đốc Agribank Hữu Lũng cho biết: Để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ vay vốn, hằng năm, chi nhánh đã tổ chức 2 hoặc 3 lớp tập huấn cho các tổ trưởng tổ vay vốn để phổ biến kiến thức quản lý nâng cao chất lượng tổ, tuyên truyền về các nghị quyết và các chương trình cho vay ưu đãi của tỉnh. Bên cạnh đó, chỉ đạo cán bộ tín dụng bám sát cơ sở, phối hợp với tổ trưởng nắm bắt tình hình vay vốn của hộ vay để hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, giám sát, đôn đốc các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích.
Nhờ thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp, các tổ vay vốn trên địa bàn huyện hoạt động hiệu quả, đến nay, tổng dư nợ cho vay của Agribank Hữu Lũng đạt 1.860 tỷ đồng với 7.600 khách hàng vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay qua tổ đạt 278 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay chủ yếu phục vụ nhu cầu chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh của người dân. Việc cho vay qua tổ vay vốn đã giúp người dân tiết kiệm được thời gian, không phải đi lại nhiều, đồng thời giúp ngân hàng chuyển tải vốn nhanh, tiết kiệm chi phí, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn, hiện tỷ lệ thu lãi của chi nhánh đạt 95%.
Từ nguồn vốn vay thông qua các tổ vay vốn, Agribank Hữu Lũng đã chuyển tải nguồn vốn đến người dân nhanh chóng, kịp thời, góp phần tích cực giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Bởi vậy, thời gian qua, Agribank Hữu Lũng là đơn vị được Agribank tỉnh đánh giá là thực hiện hiệu quả nhất trong việc cho vay qua tổ vay vốn. Kết quả này góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 21,98% năm 2016 xuống còn 4,32% năm 2021.
Ý kiến ()