Hữu Lũng: Hiệu quả kinh tế từ trồng táo
– Táo là sản phẩm ít gặp rủi ro trong khâu vận chuyển, được nhiều khách hàng lựa chọn. Vì vậy, thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã tích cực trồng và nâng cao chất lượng các loại táo Đài Loan, táo đại, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời điểm này, các hộ trồng táo trên địa bàn huyện đã bước vào giữa vụ thu hoạch. Nhanh tay hái những quả táo chín, ông Đặng Như Tiềm, thôn Bãi Vàng, xã Đồng Tân cho biết: Năm 2015, gia đình tôi đầu tư trồng hơn 1,5 mẫu táo Đài Loan. Sau một năm trồng, cây cho thu hoạch quả, vụ đầu tiên, gia đình tôi thu được khoảng 6 tấn quả, thu nhập đạt gần 100 triệu đồng. Nhận thấy giống táo này đem lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích lên 1 ha. Đặc biệt, năm 2018, tôi được tham dự các lớp tập huấn của UBND xã về kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, chất lượng quả được nâng cao. Riêng vụ táo năm trước, gia đình tôi thu sản lượng khoảng 18 tấn, vụ năm nay, ước sản lượng xấp xỉ năm ngoái, giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, thu nhập sau trừ chi phí đạt trên 200 triệu đồng.
Người dân xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng thu hoạch táo Đài Loan
Ngoài gia đình ông Tiềm, nhiều hộ dân trên địa bàn xã cũng tích cực phát triển kinh tế từ trồng các loại táo đại, táo Đài Loan. Bà Vũ Hoàng Thuý, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Đồng Tân cho biết: Nhận thấy hiệu quả kinh tế, từ năm 2015 đến nay, người dân trên địa bàn xã đã tập trung phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế từ trồng táo. Để nâng cao chất lượng, hằng năm, UBND xã phối hợp với phòng chuyên môn huyện tổ chức lồng ghép các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc táo theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân trên địa bàn. Hiện nay, toàn xã có 11 ha táo, sản lượng trung bình đạt 37 tấn/năm.
Không chỉ tại xã Đồng Tân, mô hình trồng táo còn phát triển ở các xã khác trên địa bàn. Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, năm 2015, người dân trên địa bàn bắt đầu đưa giống táo Đài Loan, táo đại về trồng với diện tích khoảng 50 ha. Vài năm trở lại đây, hai giống táo này được nhiều khách hàng yêu thích, thương lái đến tận vườn thu mua, trở thành sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nên bà con đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng. Theo kinh nghiệm của những người trồng táo, giống táo Đài Loan, táo đại không kén đất, phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương. Trong quá trình chăm sóc, cần chú ý đảm bảo độ ẩm và phân bón cho cây. Táo trồng 1 năm sẽ bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu từ tháng 12 âm lịch năm trước đến tháng 2 năm sau.
Hiện toàn huyện có khoảng 114 ha táo. Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, sản lượng vụ táo năm nay ước đạt 836 tấn (tương đương so với vụ táo năm trước). Thời điểm này, giá bán dao động từ 15 đến 17 nghìn đồng/kg, thị trường tiêu thụ ổn định, chủ yếu trong và ngoài tỉnh. Từ đó, đem lại thu nhập cho người dân thấp nhất cũng đạt 80 triệu đồng/năm, cao nhất đạt trên 200 triệu đồng/năm.
Nhằm phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua, UBND huyện đã bước đầu hình thành vùng trồng táo tập trung tại các xã: Hồ Sơn, Đồng Tân, Tân Thành, Nhật Tiến, Cai Kinh…, thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách chăm sóc táo theo tiêu chuẩn VietGAP. Đơn cử, riêng trong năm 2021, phòng chuyên môn huyện đã tổ chức 20 lớp tập huấn lồng ghép kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả (trong đó có cây táo) cho người dân tại các xã, thị trấn.
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Táo là cây trồng mới tại địa bàn huyện, vài năm trở lại đây, cây táo đã đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con. Thời gian tới, huyện hướng tới nâng cao chất lượng vùng trồng bằng giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ bà con đẩy mạnh mở rộng diện tích canh tác táo theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm theo hướng hàng hoá.
Nhờ sự chủ động của người dân và sự quan tâm của chính quyền huyện, mô hình trồng táo đại, táo Đài Loan đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Ý kiến ()