Hữu Lũng: Hiệu quả kinh tế từ cây thanh long
– Khoảng 5 năm trở lại đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã tích cực chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây thanh long. Mô hình này đã góp phần tăng thu nhập cho bà con trên địa bàn huyện.
Những ngày cuối tháng 8/2022, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình thanh long của gia đình anh Mã Anh Toàn, thôn Hét, xã Vân Nham trong lúc anh đang tất bật thu hoạch quả. Anh Toàn cho biết: Trước đây, trên diện tích đất này, gia đình tôi trồng cây nông nghiệp ngắn ngày nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2014, qua tìm hiểu mô hình trồng thanh long ở trên mạng, tôi đã đưa vào trồng thử nghiệm. Nhờ chịu khó học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, hiện gia đình tôi có hơn 1.000 trụ thanh long phát triển tốt, từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch được trên 10 tấn quả, thu nhập gần 200 triệu đồng.
Người dân xã Vân Nham thu hoạch thanh long
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây thanh long nên nhiều gia đình ở xã Vân Nham cũng học hỏi kỹ thuật và tận dụng những diện tích canh tác kém hiệu quả để trồng thanh long. Ông Sầm Văn Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ năm 2017 trở lại đây, người dân trên địa bàn xã đã tập trung phát triển cây thanh long. Hiện nay, tổng diện tích thanh long toàn xã khoảng 13 ha, với gần 60 hộ trồng. Từ trồng thanh long, trung bình các hộ có thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng/năm. Hằng năm, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã hỗ trợ người dân về giống, phân bón thực hiện mô hình trồng thanh long để từng bước giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế.
Không chỉ Vân Nham, những năm gần đây, người dân một số xã như: Thiện Tân, Minh Sơn, Yên Bình, Hòa Lạc… cũng đã tập trung trồng thanh long để phát triển kinh tế với tổng diện tích toàn huyện là 45,87 ha. Hiện Hữu Lũng là huyện có diện tích trồng thanh long lớn nhất tỉnh. Thanh long sau khi thu hoạch được thương lái đến tận vườn thu mua, với giá bán ổn định từ 10 nghìn đồng đến 15 nghìn đồng/kg; một số người dân bán lẻ được từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg.
Chị Bế Thị Na, thôn Đồng Sinh, xã Thiện Tân cho biết: Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết cây thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao nên năm 2013, tôi đã trồng thử nghiệm 200 gốc, qua 2 năm trồng và chăm sóc thấy thanh long bán được giá nên gia đình tôi đã mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình tôi đã có khoảng 400 gốc thanh long ruột đỏ, bình quân mỗi năm, gia đình thu nhập 80 triệu đồng từ mô hình này.
Tìm hiểu được biết, hiện nay, người dân trên địa bàn huyện chủ yếu trồng cây thanh long ruột đỏ. Từ khi trồng đến khi thu hoạch lứa đầu là 12 tháng. Trong một năm, thanh long cho thu hoạch liên tiếp 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10); sản lượng sẽ tiếp tục tăng dần trong những năm tiếp theo, cao nhất từ năm thứ 5 trở đi và đặc biệt tuổi thọ bình quân của cây từ 15 đến 20 năm tùy theo khả năng chăm sóc.
Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của huyện đã quan tâm tuyên truyền, định hướng bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng. Theo đó, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với ngành chức năng, UBND các xã tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép về trồng, chăm sóc cây thanh long (trung bình mỗi năm khoảng 10 lớp), nhờ đó, những năm qua, cây thanh long trên địa bàn huyện đều cho năng suất cao. Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm 2021, năng suất thanh long đạt 96 tạ/ha (tăng 14 tạ/ha so với năm 2019), sản lượng ước đạt 353,18 tấn.
Ông Nông Khắc Tạo, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thanh long là một cây trồng mới của huyện, so với nhiều cây trồng khác, hiệu quả kinh tế đem lại khá cao và ổn định. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức tập huấn cho bà con về kỹ thuật chăm sóc thanh long, có kế hoạch quảng bá sản phẩm để đầu ra ổn định hơn nữa, giúp người dân yên tâm phát triển.
Ý kiến ()