Hữu Lũng giữ thế chủ động trồng rừng
LSO-Kế hoạch trồng rừng 2014 của toàn tỉnh là 9.500ha. Tuy nhiên, các nguồn vốn ngân sách phân bổ năm nay chỉ đáp ứng được khoảng 5.900ha. Muốn hoàn thành kế hoạch, nguồn lực xã hội hóa phải trồng được ít nhất là 3.600ha. Trong khi nhiều huyện còn lúng túng thì Hữu Lũng đã tính toán đủ nguồn.
Nhân dân xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng nhận cây giống chương trình trồng rừng hỗ trợ sản xuất |
Những tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Hữu Lũng lượng mưa khá đều. Thêm vào đó, nhiệt độ ở Hữu Lũng cũng cao hơn nhiều vùng trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy mà việc chuẩn bị hiện trường trồng rừng ở Hữu Lũng cũng nhanh hơn mọi năm. Ông Hoàng Thế Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: trong khi các dự án trồng rừng có vốn ngân sách mới đang trong giai đoạn thiết kế, thì những diện tích người dân tự đầu tư đã cơ bản chuẩn bị xong hiện trường.
Không phải riêng năm nay, mà hầu như năm nào người dân Hữu Lũng cũng khởi động vụ trồng rừng từ rất sớm. Chính vì vậy nên trong vòng 2 năm trở lại đây giá bạch đàn giống đầu vụ trên địa bàn huyện Hữu Lũng tăng khá cao. Từ đầu năm đến nay, có thời điểm bạch đàn giống lên tới 1.700 đồng/cây mà các chủ vườn còn không đủ số lượng, một phần phải nhập cây giống từ các tỉnh phía xuôi. Ông Đỗ Văn Tý, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án trồng rừng 661 huyện Hữu Lũng bộc bạch: giờ kinh tế rừng phát triển, rừng mới trồng đã có người đặt mua, nên nhân dân đã mạnh dạn đầu tư và hăng hái tham gia trồng rừng, gia đình nào có khoảng 5ha rừng là kiếm tiền tỷ như chơi. Theo ông Tý, mặc dù giá cây giống đầu vụ tăng khá cao, nhưng vườn ươm do ông làm chủ vẫn không dám xuất bán nhiều, bởi đã hợp đồng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cung ứng giống cho dự án trồng rừng hỗ trợ sản xuất. Đến thời điểm này, khi các vườn ươm khác đồng loạt xuất vườn, giá giống đã hạ nhiệt chỉ còn ở mức 1.200 đồng/cây, số lượng cũng không khan hiếm.
Chúng tôi đến trụ sở UBND xã Nhật Tiến đúng thời điểm nhân dân xã đang nhận cây giống cho trồng rừng hỗ trợ sản xuất. Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã cười: chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, vài vạn cây giống đã cấp xong. Nhật Tiến không phải là xã có nhiều đất rừng, chỉ khoảng trên 200ha. Nhưng tất cả đã phủ xanh. Hiện nay muốn trồng mới, xã phải căn cứ vào kế hoạch khai thác. Phương châm là khai thác tới đâu, phủ xanh ngay tới đó. Vụ trồng rừng năm 2014, chỉ tiêu trồng mới của Hữu Lũng vẫn là 1.500ha rừng. Trong đó chỉ khoảng 700 ha trồng cây phân tán và hỗ trợ sản xuất là có vốn ngân sách. Còn lại là huy động các nguồn lực xã hội hóa. Nếu so với các huyện khác, đây là con số rất cao. Nhưng đối với Hữu Lũng thì hầu như năm nào xã hội hóa trồng rừng cũng vượt 800ha. Điển hình như năm 2013, nhân dân toàn huyện đã tự đầu tư trồng được gần 900ha rừng, đặc biệt là người dân đã bắt đầu chú tâm đến vay vốn ưu đãi trồng rừng theo Quyết định 39 của UBND tỉnh. Đầu vụ trồng rừng năm nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện đã thẩm định được gần 100ha vay vốn ưu đãi.
Ông Hoàng Thế Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: con số nhân dân tự đầu tư trồng rừng thực ra là chưa thống kê hết. Bởi những diện tích người dân lấn của Lâm trường Hữu Lũng trước đây thường không thống kê, nếu tính cả con số này, mỗi năm Hữu Lũng trồng mới trên 2.000 ha rừng, trong đó nhân dân tự đầu tư trồng có năm lên đến 1.500ha, bằng tổng chỉ tiêu trồng rừng của cả huyện. Điều dễ nhận thấy là với sự phát triển của công nghiệp chế biến và nhu cầu của thị trường, kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn huyện Hữu Lũng ngày càng được khẳng định. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao tỷ lệ xã hội hóa trồng rừng và nâng cao trình độ, kỹ thuật thâm canh, hiệu quả kinh tế của rừng.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()