Hữu Lũng đưa công tác quản lý, tổ chức lễ hội di tích đi vào nề nếp
LSO - Huyện Hữu Lũng có 113 điểm di tích các loại và 41 lễ hội; trong đó có 68 điểm di tích tín ngưỡng, tôn giáo. Trong năm 2014, các điểm di tích, lễ hội trên địa bàn đã đón hàng triệu lượt khách đến tham quan. Công tác quản lý tài chính, thu quỹ công đức của các đền chùa thu được trên 20 tỷ đồng.
Đền Bắc Lệ, xã Tân Thành sẵn sàng đón khách dịp đầu năm
Hữu Lũng là huyện nằm ở phía Tây Nam của tỉnh, có 25 xã và 1 thị trấn; trong đó có 2 xã vùng sâu, vùng xa, có 7 dân tộc anh em chung sống. Trải qua các giai đoạn lịch sử, nhân dân tại các địa phương đã xây dựng nhiều công trình văn hoá nhằm tôn vinh những người đã có công khai khẩn, bảo vệ quê hương. Các công trình văn hoá vừa mang tính giáo dục truyền thống vừa mang tính tâm linh.
Trong những năm gần đây, các điểm di tích trên địa bàn huyện được quan tâm tôn tạo và đã đón hàng triệu lượt khách đến tham quan. Một trong những di tích được đông đảo du khách thập phương biết đến như: di tích đền Bắc Lệ xã Tân Thành, trong năm 2014 đón khoảng 900.000 lượt khách và thu được trên 11 tỷ đồng từ quỹ công đức. Đối với toàn huyện, các điểm di tích đã đón hàng triệu lượt du khách, thu trên 20 tỷ đồng từ quỹ công đức. Số tiền công đức được đầu tư hỗ trợ xây dựng các công trình công cộng trên địa bàn các xã.
Do lượng khách thập phương đến lễ chùa ngày một tăng, một số đối tượng lợi dụng các điểm di tích hoạt động mang tính vụ lợi cá nhân. Đặc biệt nhân dịp đầu năm mới, dịp lễ hội, họ lợi dụng lúc đông khách đã bán hàng quán tràn lan, viết sớ, xem bói, gieo quẻ; con hương đệ tử, khách thập phương cúng tiến đồ hàng mã gây nhiều lãng phí. Hiện tượng ăn xin, ăn mày nơi cửa đền; các trò chơi dưới dạng cờ bạc tại lễ hội vẫn tồn tại, làm xấu đi những nét đẹp thuần phong mỹ tục trong đời sống nhân dân các dân tộc tại nơi tâm linh, cũng như nơi tổ chức các sự kiện lễ hội.
Nhằm chấn chỉnh các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo tại các điểm di tích và lễ hội thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, UBND huyện Hữu Lũng đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng và chính quyền các xã, thị trấn tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động các điểm di tích, lễ hội thực hiện đúng quy định của Nhà nước. Phòng Văn hóa- Thông tin đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản hướng dẫn công tác tổ chức, kiện toàn các ban quản lý di tích, công tác quản lý thu chi tài chính đối với quỹ công đức, công tác tổ chức lễ hội, hoạt động tại đền chùa. Theo đó, trong năm qua, trên địa bàn huyện đã kiện toàn được 5 ban quản lý các đền tại các xã Hòa Lạc, Tân Thành, Sơn Hà, Đồng Tân… Phối hợp với Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động được 23 cuộc tại các di tích. Qua công tác kiểm tra, thanh tra, các lực lượng chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền các quy định của Bộ VHTTDL về bảo đảm trật tự tại các điểm di tích và lễ hội; tiến hành ký cam kết đối với 25 trường hợp thường xuyên đổi tiền mệnh giá nhỏ tại các đền chùa; quản lý các đối tượng ăn xin, ăn mày; đấu tranh ngăn chặn tình trạng múc túi, lừa đảo, trộm cắp tại các lễ hội… Thông qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh các hoạt động vi phạm các quy định của ngành, bảo đảm trật tự địa bàn nơi tổ chức các lễ hội.
Những ngày tháng 2/2015, khi cả nước đang tập trung triển khai các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Mùi cũng là thời điểm tại các điểm di tích của Hữu Lũng đang tất bật cho triển khai các hoạt động tổ chức lễ hội Xuân 2015. Ông Khổng Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện cho biết: huyện tiếp tục duy trì 3 lễ hội chính: Lễ hội Trò Ngô xã Yên Thịnh; Hội Hát Sli xã Tân Thành và Hội Phổng xã Vân Nham. Để lễ hội được tổ chức đúng nghi thức truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa, UBND huyện chỉ đạo phòng chức năng phối hợp chính quyền các xã và các ban quản lý di tích tổ chức lễ hội đúng các quy định của Bộ VHTTDL, trên cơ sở tổ chức lễ hội gắn kết các hoạt động văn hóa- thể thao lành mạnh, thu hút nhiều tầng lớp tham gia. Trọng tâm của lễ hội năm nay tổ chức bảo đảm lành mạnh, tiết kiệm, an toàn; ngăn chặn triệt để các tệ nạn xã hội; thực hiện nghiêm việc cấm đốt pháo nổ, đốt vàng mã tràn lan, đổi tiền mệnh giá nhỏ tại khu vực di tích; thả tiền bừa bãi tại các nơi thắp hương; không để tình trạng ăn xin, ăn mày nơi cửa đền, nơi tổ chức lễ hội…
Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và phòng chức năng, hy vọng rằng công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội tại các điểm di tích sẽ dần đi vào nề nếp góp phần quan trọng vào thực hiện cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc.
Bài, ảnh: Phan Cầu
Ý kiến ()