Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính ở Hữu Lũng: Hiệu quả từ giải pháp thiết thực
- Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị liên quan ở huyện Hữu Lũng đã triển khai các giải pháp thiết thực, nâng cao tỷ lệ thực hiện chứng thực bản sao điện tử. Qua đó, góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho tổ chức, cá nhân, giảm thời gian đi lại. Người dân chỉ cần làm một lần, dữ liệu được lưu trữ trên tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia, có thể sử dụng bất cứ khi nào.
Bà Phạm Phương Trinh, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Hữu Lũng nhấn mạnh: Để thực hiện hiệu quả dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, phòng tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc chứng thực bản sao điện tử.
Trong đó, giao chỉ tiêu cho Phòng Tư pháp huyện, UBND thị trấn Hữu Lũng thực hiện bản sao điện tử đạt từ 30% trở lên/tổng số chứng thực bản sao từ bản chính (cao hơn chỉ tiêu tỉnh giao 20%); UBND các xã còn lại đạt từ 20% trở lên/tổng số chứng thực bản sao từ bản chính (cao hơn chỉ tiêu tỉnh giao 15%). Đồng thời tăng cường, đa dạng hình thức tuyên truyền để thu hút người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; rà soát, tham mưu, đề xuất UBND huyện bảo đảm cơ sở vật chất, đường truyền kết nối mạng ổn định và điều kiện trang thiết bị khác để việc cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính được thông suốt.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị liên quan ở huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa của bản sao điện tử đến người dân bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp tại bộ phận “một cửa”; lồng ghép qua các hội nghị; đăng các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về chứng thực bản sao điện tử trên Trang thông tin điện tử của UBND huyện; mạng xã hội như Facebook, Zalo... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tiện ích của bản sao điện tử.
Chị Nguyễn Thị Mai, thôn Kép III, xã Quyết Thắng cho biết: Qua nghe tuyên truyền về lợi ích của bản sao điện tử, đầu tháng 8/2024, tôi đã đến bộ phận một cửa của huyện để chứng thực bản sao điện tử một số giấy tờ cá nhân. Được cán bộ tư pháp hướng dẫn tận tình, sau khoảng thời gian ngắn tôi đã hoàn thành việc chứng thực. Tôi thấy dịch vụ công này rất thuận tiện, nhanh chóng, bản sao điện tử lưu giữ lâu dài, không mất nhiều thời gian, chi phí đi lại làm bản giấy như trước.
Cùng đó, Phòng Tư pháp huyện đã tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ hộ tịch, chứng thực cho lãnh đạo, người có thẩm quyền ký chứng thực, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã; trung bình mỗi năm huyện tổ chức 2 - 3 lớp tập huấn nghiệp vụ. Đồng thời, phòng chuyên môn kiểm tra công tác tư pháp tại 12/24 xã, trong đó có hướng dẫn nghiệp vụ về chứng thực bản sao điện tử nếu cơ sở có vướng mắc, phát sinh.
Ghi nhận tại thị trấn Hữu Lũng là địa bàn đông dân cư, với nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, do đó, việc chứng thực luôn được chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện, trong đó việc chứng thực bản sao điện tử đã được triển khai thường xuyên, hiệu quả.
Anh Hứa Vũ Linh Phương, công chức tư pháp - hộ tịch thị trấn Hữu Lũng chia sẻ: Trong thời gian qua, các thủ tục hành chính lĩnh vực chứng thực phát sinh tương đối nhiều, đặc biệt trong đó có chứng thực bản sao điện tử là một thủ tục mới mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Tôi đã tham mưu UBND thị trấn chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng đến người dân; thực hiện rà soát, bổ sung, bảo đảm điều kiện trang thiết bị để triển khai chứng thực điện tử bản sao từ bản chính như: hạ tầng mạng, chứng thư số, máy quét văn bản… Nhờ đó việc chứng thực bản sao điện tử được triển khai toàn diện, vượt chỉ tiêu cấp trên giao. Năm 2023, thị trấn chứng thực bản sao điện tử được 1.131 hồ sơ, đạt 31,4% (vượt chỉ tiêu tỉnh giao 21,4%; vượt chỉ tiêu huyện giao 1,4%); từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi thực hiện được trên 400 hồ sơ, đạt 30,47%.
Bằng các giải pháp đồng bộ, công tác chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn, góp phần thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Đơn cử năm 2023, huyện Hữu Lũng có số lượng hồ sơ chứng thực bản sao điện tử cao nhất tỉnh, với trên 12.500 hồ sơ, đạt 27,61% (cao hơn tỷ lệ trung bình của toàn tỉnh 12,13%); trong đó riêng tỷ lệ chứng thực bản sao điện tử tại phòng tư pháp huyện đạt gần 50% (vượt chỉ tiêu tỉnh giao gần 40%). Trong 7 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ bản sao chứng thực điện tử của toàn huyện đạt trên 20%.
Theo quy định trong Nghị định 45 ngày 8/4/2020 của Chính Phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử: “Bản sao điện tử là bản chụp dưới dạng điện tử từ bản chính dạng văn bản giấy hoặc tập tin có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc, bản chính dạng văn bản giấy. Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính”.
|
Ý kiến ()