LSO-Bắt đầu từ năm 2005, phong trào trồng rừng sản xuất ở Hữu Lũng mới thực sự được quan tâm. Cũng chỉ qua vài năm nghề rừng ở đây đã trở thành động lực phát triển rừng, trồng chế biến gỗ xuất khẩu, từ đó đã tạo công ăn việc làm nâng cao mức sống cho người dân.Anh Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hữu Lũng phác thảo bức tranh rừng sản xuất còn tươi mới của huyện với một cách nói đầy hồ hởi say mê. Riêng trồng rừng sản xuất, mỗi năm huyện phát triển được tầm gần 2.000 ha, trong đó chủ yếu là bạch đàn, keo cho nguyên liệu giấy và xuất khẩu. Cũng mới cách đây vài năm, người dân chỉ quen với mỗi bán sản phẩm thô, củi giá trị rất thấp thì hiện nay người dân đã thiên về hướng chế biến tại chỗ, nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị sản phẩm, tạo công ăn việc làm, chủ động từ trồng đến xuất khẩu. Điều mới nhất ở đây là sản phẩm gỗ chế biến của Hữu Lũng đã có mặt ở các thị trường...
LSO-Bắt đầu từ năm 2005, phong trào trồng rừng sản xuất ở Hữu Lũng mới thực sự được quan tâm. Cũng chỉ qua vài năm nghề rừng ở đây đã trở thành động lực phát triển rừng, trồng chế biến gỗ xuất khẩu, từ đó đã tạo công ăn việc làm nâng cao mức sống cho người dân.
Anh Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hữu Lũng phác thảo bức tranh rừng sản xuất còn tươi mới của huyện với một cách nói đầy hồ hởi say mê. Riêng trồng rừng sản xuất, mỗi năm huyện phát triển được tầm gần 2.000 ha, trong đó chủ yếu là bạch đàn, keo cho nguyên liệu giấy và xuất khẩu. Cũng mới cách đây vài năm, người dân chỉ quen với mỗi bán sản phẩm thô, củi giá trị rất thấp thì hiện nay người dân đã thiên về hướng chế biến tại chỗ, nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị sản phẩm, tạo công ăn việc làm, chủ động từ trồng đến xuất khẩu. Điều mới nhất ở đây là sản phẩm gỗ chế biến của Hữu Lũng đã có mặt ở các thị trường Trung Quốc, Malaysia, In-đô-nê-xi-a, và cả thị trường khó tính như Nhật Bản, qua đó đã thu về hàng triệu đô la cho người trồng rừng.
|
Phân loại gỗ ép xuất khẩu tại Công ty Hòa Việt – Đồng Tân (Hữu Lũng) |
Cũng có thể khẳng định, trồng rừng sản xuất ở Hữu Lũng có bước phát triển đột phá là do có sự đồng bộ từ giống, trồng, đến khai thác, chế biến. Với thế mạnh sẵn có là các nông lâm trường, người dân Hữu Lũng đã khá quen với việc ươm, đầu tư giống cây trồng, nên khi đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật như bạch đàn cấy mô, bạch đàn cao sản vào trồng đại trà chỉ sau một thời gian ngắn người dân đã tiếp thu khoa học kỹ thuật chuyển giao, việc trồng rừng cũng từ đấy có bước phát triển đột phá. Phong trào trồng rừng bắt đầu từ chuyển giao của các nông lâm trường, sau lan rộng ra các xã và thị trấn. Đặc biệt khi gỗ rừng được thu hoạch , thì đã mọc lên hàng loạt các cơ sở khai thác chế biến bóc gỗ xuất khẩu, làm ván ép hoặc đóng gói công nghiệp. Hiện trên địa bàn huyện Hữu Lũng có tới 14 xưởng chế biến gỗ, có những xưởng đã chuyển về sát vùng nguyên liệu, khai thác chế biến tại hiện trường, vì vậy giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng tăng cao. Cho tới nay, mỗi năm huyện chế biến trên 10.000 m3 gỗ xuất khẩu, sản phẩm gỗ rừng trồng Hữu Lũng đã xuất ngoại, thu USD về làm giàu cho người trồng rừng. Cũng từ khai thác chế biến gỗ rừng, hàng loạt các cơ sở thu gom chế biến gỗ mọc lên; trên 300 lao động đã có việc làm ổn định, hàng ngàn nông dân có việc làm mang tính thời vụ, xuất hiện ngày càng nhiều hơn các triệu phú nghề rừng như anh Nguyễn Ngà, Đỗ Văn Gấc, Nguyễn Văn Nhẫn. Từ rừng trồng có người dân, thanh niên đã trồng hàng trăm ha rừng và trong tương lai đấy sẽ là những triệu phú trẻ nghề rừng.
Anh Hoàng Văn Việt, cơ sở chế biến gỗ Đồng Tân tâm sự, tại Hữu Lũng, chế biến gỗ đã trở thành một nghề, tích cực tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, xuất khẩu thu ngoại tệ. Đây là một việc nhiều doanh nghiệp gọi là đổi gỗ lấy USD, từ đó khích lệ nhân dân trồng, chế biến gỗ rừng. Cũng đã có doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xưởng tại Hữu Lũng, qua đó tạo mối giao lưu học hỏi, tìm bạn hàng, tiếp cận với phương thức sản xuất tiên tiến của họ. Qua trao đổi với anh Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch huyện, chúng tôi được biết, năm nào trồng rừng sản xuất của nhân dân cũng đạt cao vì họ đã ý thức được lợi thế của nghề rừng, quan trọng hơn nghề rừng đã tác động tích cực đến đời sống của người dân, trong sự lựa chọn họ đã biết chọn sự phát triển bền vững. Cũng không ít “lâm tặc” đã hoàn lương và trở thành những ông chủ rừng trồng. Từ nghề rừng đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn Hữu Lũng.
Cho đến nay có thể khẳng định, nghề rừng ở Hữu Lũng đã phát triển đúng hướng, tạo điều kiện cho người dân vươn lên. Thành công hơn là đã tạo cho nghề rừng phát triển theo hướng vững bền.
Nguyễn Nhật Anh
Ý kiến ()