Hữu Lũng: Đẩy mạnh xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP
– Nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ cuối năm 2019, các cấp, ngành huyện Hữu Lũng đã nỗ lực chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp. Đến nay, chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Cơ sở nem nướng Khôi Loan (thôn Rừng Dong, xã Đồng Tân) đã có kinh nghiệm làm nem gần 20 năm. Năm 2020, được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện tuyên truyền về xây dựng sản phẩm OCOP, cơ sở đã đăng ký tham gia và được cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Chủ cơ sở nem nướng Khôi Loan, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng dán tem đóng gói bao bì cho sản phẩm OCOP 3 sao
Bà Mai Thị Loan, chủ cơ sở cho biết: Tham gia chương trình, tôi được cơ quan chuyên môn hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Sau khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm được nhiều người biết đến, bên cạnh việc liên kết với các trạm dừng nghỉ trên địa bàn huyện, nem nướng còn được tiêu thụ ở các tỉnh khác như: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang… Hiện trung bình mỗi năm doanh thu của cơ sở đạt khoảng 1 tỷ đồng (tăng 50% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP).
Không chỉ riêng sản phẩm nem nướng, với lợi thế là huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp, UBND huyện đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia chương trình.
Theo đó, từ năm 2019 đến nay, toàn huyện đã tổ chức lồng ghép được 34 lớp tập huấn với 1.700 lượt người tham dự. Cùng đó, từ năm 2020 đến nay, từ nguồn kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng của chương trình, UBND huyện đã cân đối, phân bổ hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình 7.000 túi, bao bì sản phẩm; 2.000 nhãn dán, tem truy xuất nguồn gốc; tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ… Ngoài ra, hằng năm, Phòng NN&PTNT huyện còn chú trọng hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; xây dựng vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn.
Ông Triệu Văn Quỳnh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và cung ứng dịch vụ nông nghiệp xã Quyết Thắng cho biết: HTX thành lập năm 2015 với 18 thành viên chủ yếu sản xuất các sản phẩm măng Bát Độ. Năm 2020 – 2021, từ nguồn kinh phí từ chương trình OCOP, HTX đã được hỗ trợ 6.000 tem, bao bì, nhãn mác, đầu tư máy móc chế biến măng. Đến tháng 3/2022, HTX có 2 sản phẩm măng đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, nhờ đó, thị trường mở rộng, sản lượng tiêu thụ các loại măng tăng lên. Năm 2022, danh thu của HTX từ măng Bát Độ ước khoảng 450 triệu đồng (tăng khoảng 100 triệu so với năm trước).
Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành trên địa bàn huyện cũng như sự chủ động của người dân, việc triển khai thực hiện chương trình OCOP hằng năm đều đạt kế hoạch đề ra. Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã xây dựng được 8 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm 4 sao.
Ông Nông Khắc Tạo, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện đánh giá: Việc triển khai thực hiện chương trình OCOP đem lại ý nghĩa thiết thực trên địa bàn huyện, là cơ hội để quảng bá, nâng cao thương hiệu các đặc sản địa phương, giúp mở rộng thị trường cho sản phẩm của địa phương. Qua chương tình OCOP cũng giúp nâng cao giá trị sản phẩm từ 30 – 40% so với sản phẩm thông thường. Đây cũng là cơ sở thay đổi phương thức sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần quan trọng hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Từ hiệu quả trên, trong năm 2022, UBND huyện phấn đấu có 3 sản phẩm OCOP cấp tỉnh gồm: na của HTX Dịch vụ, sản xuất nông, lâm nghiệp, cây ăn quả xã Yên Vượng; bánh chưng cẩm Hồng Lý của hộ kinh doanh Vi Thị Hồng Lý; thanh long của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Vân Nham. Thời gian tiếp theo, UBND huyện tiếp tục hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh để đánh giá, phân hạng sản phẩm. Đồng thời, huyện tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân.
Ý kiến ()