Hữu Lũng: Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững
- Những năm qua, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, ngành chức năng trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã thực hiện giải pháp đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Kết thúc năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 4,3%, là 1 trong 3 huyện, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh.
Người dân huyện Hữu Lũng phát triển mô hình chăn nuôi bò thương phẩm
Xác định công tác giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hằng năm, UBND huyện Hữu Lũng chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã trên địa bàn triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo. Trong đó, tập trung kiện toàn ban chỉ đạo giảm nghèo, thành lập tổ giúp việc phân công các thành viên phụ trách công tác giảm nghèo tại các thôn, xã; rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo để xác định rõ nguyên nhân, từ đó xây dựng kế hoạch và có giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.
Ông Đặng Hải Quân, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện cho biết: Thông qua công tác rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo, chúng tôi xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo là do người dân thiếu kiến thức và vốn để phát triển sản xuất. Từ đó, phòng tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo phát triển các mô hình kinh tế; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức cho các hộ.
Theo đó, từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, UBND huyện đã triển khai hỗ trợ 14 dự án mô hình chăn nuôi bò thương phẩm, bò sinh sản và trồng cỏ voi cho 278 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại 13 xã với tổng kinh phí hơn 6,8 tỷ đồng. Cùng đó, từ năm 2022 đến nay, UBND huyện hỗ trợ 6 xã triển khai mô hình chăn nuôi ngựa, gà và hỗ trợ phân bón cho người dân phát triển sản xuất với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Để việc thực hiện mô hình đạt hiệu quả, UBND huyện hỗ trợ theo từng nhóm hộ, mỗi nhóm tối thiểu 3 hộ, tối đa 20 hộ, trong đó bầu 1 hộ làm tổ trưởng có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, gắn kết, khích lệ các hộ cùng nhau chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển mô hình.
Ông Nông Văn Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình cho biết: Để giúp người dân thoát nghèo, những năm qua, UBND xã đã được huyện phân bổ nguồn kinh phí thực hiện các mô hình giảm nghèo. Theo đó, xã đã rà soát, lựa chọn các hộ thuộc diện được hỗ trợ để tuyên truyền, vận động họ tham gia mô hình. Năm 2020, xã đã hỗ trợ 30 con bò giống cho 30 hộ nghèo, cận nghèo để phát triển kinh tế. Sau 3 năm thực hiện, mô hình đã đem lại hiệu quả, các hộ được hỗ trợ đã thoát nghèo. Đến năm 2023, xã tiếp tục hỗ trợ bò giống cho 22 hộ, đến nay, bò tại các hộ đang phát triển tốt. Bên cạnh đó, xã chủ động tuyên truyền, khuyến khích người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế. Hiện nay, người dân trên địa bàn xã đã tập trung phát triển mô hình chăn nuôi gia cầm (tổng đàn gần 400 nghìn con), mô hình chăn nuôi lợn (quy mô 1.500 con), mô hình trồng dưa bao tử (20 ha)... Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 8,5% (giảm 6,9% so với năm 2023). Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, năm 2024, UBND xã đã rà soát và trình UBND huyện hỗ trợ bò sinh sản cho 24 hộ nghèo, cận nghèo, giúp người dân có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế.
Để phát triển các mô hình sản xuất, nguồn vốn đóng vai trò quan trọng, vì vậy, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cập nguồn vốn vay ưu đãi. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện có 376 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn với tổng dư nợ trên 18 tỷ đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển các mô hình sản xuất như trồng cây ăn quả, ươm giống cây lâm nghiệp...
Bà Vy Thị Chiêm, thôn Bãi Danh, xã Yên Sơn cho biết: Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, cuộc sống còn khó khăn, năm 2016, được UBND xã và các tổ chức đoàn thể xã hướng dẫn vay vốn ưu đãi, gia đình tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng 600 gốc na. Năm 2022, tôi tiếp tục vay 80 triệu để chăm sóc và mở rộng diện tích na. Đến nay, gia đình tôi có khoảng 1.500 gốc na, mỗi năm cho thu khoảng 10 tấn quả, thu nhập 200 triệu đồng, nhờ đó, hiện nay, gia đình tôi đã thoát nghèo.
Ngoài ra, để nông dân có kiến thức triển khai các mô hình sản xuất, huyện cũng đã quan tâm mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân. Đơn cử, trong năm 2023, các phòng chuyên môn, đơn vị liên quan trên địa bàn huyện đã phối hợp tổ chức 10 lớp đào tạo nghề về: ươm, trồng cây lâm nghiệp, chăm sóc cây ăn quả; phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm... cho 420 lao động nông thôn. Qua đó, người dân nắm được quy trình, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất hiệu quả hơn.
Ông Đặng Hải Quân, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện cho biết thêm: Bước sang năm 2024, để thực hiện mục tiêu giảm từ 3% tỷ lệ hộ nghèo trở lên, phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện hỗ trợ thực hiện xây dựng và mở rộng các mô hình giảm nghèo tại các xã. Đến nay, phòng đã xây dựng kế hoạch để trình UBND huyện phê duyệt hỗ trợ 9 mô hình chăn nuôi đại gia súc tại 9 xã trên địa bàn.
Nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã đạt được kết quả tích cực. Kết thúc năm 2023, toàn huyện còn 1.372 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,3%, giảm 892 hộ so với năm 2022 (tương đương giảm 3%) và là 1 trong 3 huyện, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh. Bước sang năm 2024, huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm mục tiêu giảm từ 3% tỷ lệ hộ nghèo trở lên, góp phần vào hoàn thành mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh.
Ý kiến ()