Hữu Lũng: Chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản
(LSO) – Nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thời gian qua, Hữu Lũng tập trung phát triển các mô hình sản xuất sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, chú trọng việc gắn tem truy xuất nguồn gốc, tạo thương hiệu cho sản phẩm nông sản trên địa bàn.
Năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông lâm nghiệp Cai Kinh (xã Cai Kinh) lần đầu tiên thực hiện việc gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm quả na. Việc gắn tem truy xuất nguồn gốc, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng nắm bắt được các thông tin như: quy trình sản xuất, nơi sản xuất, địa chỉ liên lạc,…
Ông Trần Ngọc Oánh, Giám đốc HTX cho biết: HTX có trên 200 thành viên, với tổng diện tích trồng na trên 150 ha. Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị quả na, HTX tập trung phát triển na theo hướng sản xuất na an toàn, VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm để khách hàng có thể dễ dàng tra cứu thông tin về sản phẩm. Từ đó khẳng định sản phẩm đảm bảo có nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,… Qua đó, khách hàng ở nhiều nơi gọi điện cho HTX để đặt hàng thông qua các thông tin trên tem truy xuất. Việc gắn tem truy xuất nguồn gốc trên quả na tạo thuận lợi hơn cho HTX trong mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Na Hữu Lũng được gắn tem truy xuất nguồn gốc trưng bày, quảng bá sản phẩm tại Hà Nội năm 2019
Năm 2018, HTX phát triển 25 ha na theo tiêu chuẩn VietGAP, đến 2019, HTX phát triển 35 ha na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, những diện tích còn lại đều được sản xuất theo quy trình sản xuất na an toàn. Cùng với đó, HTX tiếp tục thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm na, nâng cao thương hiệu sản phẩm na của HTX.
Là HTX trồng cây ăn quả lớn trên địa bàn huyện Hữu Lũng, HTX Cây ăn quả và dịch vụ nông nghiệp Cửu Long (xã Yên Bình) với 9 thành viên, trồng trên 7.000 cây ổi, 2 ha thanh long ruột đỏ, tổng sản lượng khoảng gần 100 tấn/năm. Theo ông Phạm Văn Phước, Giám đốc HTX, khi sản xuất còn nhỏ lẻ, thì việc xây dựng nhãn hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc chưa được thành viên HTX quan tâm. Nhưng từ khi tham gia vào thị trường, sản phẩm được khách hàng tại nhiều thành phố lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định,… đặt hàng thì việc dán tem truy xuất nguồn gốc trở thành yêu cầu bức thiết. Vì vậy, năm 2019, HTX thực hiện các thủ tục để dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm ổi, thanh long ruột đỏ. Từ khi sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc, HTX không còn phải lo lắng trước những thắc mắc của khách hàng về vấn đề an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh đã biết đầy đủ thông tin của sản phẩm như: quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm và hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng. Cũng vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, một số khách hàng đã gọi điện đặt mua thông qua các thông tin tích hợp trên tem truy xuất nguồn gốc.
Những năm qua, Hữu Lũng tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, tạo các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: na, táo đại, bưởi, dứa, nem nướng,… Tuy vậy, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc mới được thực hiện từ 2018 với việc gắn tem đối với sản phẩm quả na. Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện, từ đầu năm 2019 đến nay, huyện hỗ trợ xây dựng, gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với 9 sản phẩm: na, nem nướng, thanh long ruột đỏ, bánh gai, kẹo hồng, măng bát độ, ổi, bánh chưng, mật ong.
Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Tem truy xuất nguồn gốc được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chính vì vậy, thông qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, có chất lượng tốt sẽ dễ tiếp cận với khách hàng hơn, làm tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Vì vậy, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông nghiệp được chú trọng. Hiện nay, huyện tiếp tục triển khai, hỗ trợ các xã, HTX, người dân thực hiện việc gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông sản đặc trưng như: bưởi, táo đại, dứa,…, phấn đấu mỗi xã có từ 7-8 sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Ý kiến ()