Hữu Lũng: Chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
(LSO) – Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất không chỉ tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng mà còn mang về cho người nông dân nguồn lợi nhuận đáng kể.
Nếu như quả dứa chỉ phổ biến vào mùa hè, thời điểm cận tết như hiện nay, thương lái phải nhập dứa từ các tỉnh miền Nam thì 2 năm trở lại đây, bất kể mùa nào nông dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng đều cho ra thị trường những quả dứa to đẹp để chế biến các món ăn. Với hơn 111 ha toàn huyện, thu nhập mang về từ loại quả này là không nhỏ.
Ông Đường Văn Hơn, thôn Bản Luận, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng cho biết: Nhờ có kỹ thuật tác động vào đỉnh sinh trưởng, cũng như thay đổi phương thức canh tác, trồng dứa theo vụ chứ không trồng một lần rồi để cây phát triển tự nhiên như trước đây mà chúng tôi có dứa xuất bán quanh năm.
Năm 2018, huyện Hữu Lũng được UBND tỉnh phê duyệt chương trình khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Thực hiện chương trình này, ngay từ đầu năm huyện đã chủ động triển khai nhiều hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó, huyện tổ chức tập huấn về nông nghiệp thông minh cho cán bộ các phòng, ban, UBND xã, thị trấn, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện. Với từng loại cây trồng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đều xây dựng mô hình trình diễn và tổ chức hướng dẫn kỹ thuật để nông dân tham khảo, học tập.
Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cung ứng phân bón cho hộ nông dân trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP
Bà Trần Huyền Trang, Phó trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Hữu Lũng cho biết: Toàn huyện có trên 440 ha diện tích các loại cây: măng tre bát độ, bưởi, na, táo đại, dứa… Đây là những cây trồng chủ lực của huyện và đang được chúng tôi đưa nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác và sản xuất. Qua đó đã đưa ra thị trường một số sản phẩm có chất lượng cao và được đông đảo người tiêu dùng biết đến.
Tuy không phải là vùng trồng na nổi tiếng như Chi Lăng, song huyện Hữu Lũng đã áp dụng các kỹ thuật mới trong công đoạn thụ phấn, chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch. Đến nay, toàn huyện có 25 ha na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 3 mô hình mẫu. Mỗi quả na sau khi thu hoạch đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, đóng gói trong những hộp đựng chắc chắn, đẹp mắt. Nhờ đó, sản phẩm na của huyện Hữu Lũng đã có mặt trên bản đồ nông sản sạch Việt Nam và được thị trường đón nhận nhiệt tình. Không riêng na, quy trình VietGAP cũng được đưa vào áp dụng với 30 ha táo đại, 30 ha dứa, 25 ha bưởi.
Hướng đến mục tiêu sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho Công ty G.O.C xây dựng, mở rộng xưởng chế biến măng tre bát độ. Hiện toàn huyện có 168 ha măng tre bát độ cung cấp cho xưởng chế biến. Tại đây, măng tre được chế biến thành các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, được đóng gói và đưa đi tiêu thụ. Do đó, sẽ tạo ra chuỗi khép kín từ khâu trồng, chăm sóc đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đầu tư cho những cây trồng chủ lực, huyện Hữu Lũng đang triển khai một số đề tài dự án như: phục tráng giống mít, dứa bản địa, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm măng tre bát độ, nem nướng. Cùng đó, khuyến khích nông dân đưa những cây trồng mới như: quýt, cam, mít thái, bưởi năm roi, bưởi da xanh vào trồng và chăm sóc nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Nhờ chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà các sản phẩm nông sản của huyện Hữu Lũng được thị trường đánh giá cao, mang về cho nông dân nguồn lợi nhuận đáng kể.
Ý kiến ()