Hữu Lũng: Cần tăng cường giám sát môi trường tại các mỏ khai thác đá
– Thời gian qua, việc nổ mìn khai thác đá tại các mỏ đá ở huyện Hữu Lũng đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt và môi trường sống của người dân.
Tại thôn Ba Nàng, xã Cai Kinh hiện có mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng của Công ty Cổ phần Chế biến đá Lạng Sơn đang hoạt động. Hoạt động nổ mìn phá đá và nghiền đá của công ty đã gây ra nhiều tiếng ồn và bụi.
Hoạt động nổ mìn khai thác đá tại mỏ đá trên địa bàn xã Yên Vượng
Ông Đinh Quang Nghĩa, người dân trong thôn cho biết: Việc nổ mìn và nghiền đá đã tạo ra bụi bám dày đặc trên cây na dẫn đến giảm quá trình quang hợp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng na. Cùng đó, bụi bám đầy nhà cửa, đồ dùng của gia đình, điều này ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt cũng như sức khỏe của người dân.
Ông Hoàng Văn Dần, Phó Chủ tịch UBND xã Cai Kinh cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 4 mỏ khai thác đá của doanh nghiệp (DN) được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Từ nhiều năm nay, người dân sinh sống quanh khu vực mỏ đã có đơn phản ánh hoạt động nổ mìn, nghiền đá của các DN gây khói bụi ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đời sống của người dân. Chính quyền xã đã báo cáo UBND huyện và phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, kiểm tra thực địa. Kết quả kiểm tra cho thấy một số DN chưa niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường, chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục bảo vệ môi trường theo quy định…
Tương tự, tại xã Yên Vượng hiện cũng có 4 mỏ khai thác đá đang hoạt động. Việc nổ mìn khai thác đá, nghiền đá gây khói bụi cũng đã gây ảnh huởng đến diện tích trồng na trên địa bàn và ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân sống quanh khu vực.
Hiện các DN khai thác đá trên địa bàn đã thỏa thuận hỗ trợ đền bù cho trên 2 ha na của 10 hộ dân bị ảnh hưởng với các mức giá khác nhau. Cụ thể, trường hợp cây bị gãy, đổ do hoạt động nổ mìn được hỗ trợ trên 1 triệu đồng/cây, còn đối với diện tích na bị ảnh hưởng bởi bụi đá sẽ được bồi thường tùy theo mức độ ảnh hưởng. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài các DN chưa có giải pháp cụ thể.
Theo số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Hữu Lũng, toàn huyện hiện có 23 mỏ khai thác đá vôi của DN được cấp phép hoạt động, tập trung chủ yếu tại các xã: Cai Kinh, Đồng Tiến, Yên Vượng… Hằng năm, ngoài nộp các khoản thuế, phí, các DN khai thác đá còn đóng góp xây dựng hạ tầng, giao thông nông thôn và tạo việc làm. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, hoạt động khai thác đá của các DN đã tạo ra những tác động xấu đến môi trường (bụi, tiếng ồn), làm mất cảnh quan; hạ tầng giao thông xuống cấp, gây bức xúc trong Nhân dân và khó khăn trong công tác quản lý.
Được biết, hoạt động nổ mìn khai thác đá tại các điểm mỏ thường diễn ra vào giờ trưa và hoạt động nghiền đá diễn ra vào đêm muộn; cùng đó cơ quan chuyên môn huyện không có các thiết bị chuyên dụng để thực hiện đo, đếm các chỉ số về môi trường, rung chấn… tại khu vực các điểm mỏ. Điều này gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng huyện. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tiếp nhận, giải quyết 3 đơn thư của người dân phản ánh về tình trạng khói bụi tại khu vực các mỏ khai thác đá.
Ông Trịnh Tuấn Anh, Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện cho biết: Để hoạt động khai thác tại các mỏ khai thác đá vôi được đảm bảo an toàn, phòng đã phối hợp với cơ quan chức năng huyện, tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát. Theo đó, từ đầu năm 2021 đến nay, phòng đã phối hợp kiểm tra được trên 42 cuộc, qua đó phát hiện, nhắc nhở 10 đơn vị; xử phạt vi phạm hành chính 4 đơn vị có vi phạm liên quan đến vấn đề khói bụi do hoạt động nổ mìn, tiếng ồn vượt quá quy chuẩn cho phép… với số tiền 188 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu các DN vi phạm có biện pháp khắc phục đảm bảo môi trường, sức khỏe và an toàn của người dân.
Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng huyện tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các DN khai thác đá về vấn đề bảo vệ môi trường tại các điểm mỏ; đề xuất lắp đặt thêm các điểm quan trắc môi trường không khí tự động tại khu vực khai thác mỏ để nắm được các số liệu bất thường, kịp thời kiểm tra, xử lý. Đồng thời, tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường nhằm góp phần đảm bảo đời sống cũng như sinh kế của người dân.
Ý kiến ()