Hữu Lũng: Cần quản lý chặt các cơ sở chế biến, đốt và sấy gỗ
(LSO) – Theo phản ánh của người dân các xã: Minh Sơn, Đồng Tân… huyện Hữu Lũng, trong thời gian gần đây họ thường xuyên phải hứng chịu khói, bụi từ các cơ sở sấy, chế biến gỗ. Không ít lần người dân đề nghị chính quyền các cấp xử lý vấn đề này, nhưng các lò sấy vẫn cứ tiếp tục nhả khói.
Ông Nguyễn Ngọc Long, Trưởng thôn Đồng Lai, xã Đồng Tân cho biết: Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Sao Bắc Việt nằm trên địa bàn của thôn với ngành nghề là sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng. Khoảng 2 năm nay, khi hoạt động của công ty phát triển thì lượng khói xả từ các lò sấy, ép của công ty ngày một lớn. Khói từ các lò thải ra gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống của bà con trên địa bàn.
“Công ty này đi vào sản xuất lâu rồi, tuy không gây ồn ào nhưng khói từ các lò sấy thải ra khá hôi và gây khó chịu, người dân đã góp ý nhiều lần với công ty nhưng họ vẫn không cải thiện tình hình…”, ông Long cho biết.
Tình hình xả khói từ các lò sấy của các cơ sở chế biến gỗ gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân không chỉ có ở Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Sao Bắc Việt, mà trên địa bàn huyện Hữu Lũng còn có trên 40 cơ sở tư nhân chế biến, sấy, ép gỗ.
Lò sấy gỗ nhả khói trong khu vực đông dân cư
Hằng tháng các cơ sở chế biến được trên 2.000 m3 gỗ các loại. Hầu hết các cơ sở chế biến này đều xây lò để thực hiện sấy khô gỗ, sau đó thực hiện ép thành ván. Trong quá trình sấy, đa số đều là gỗ tươi, bởi vậy thời gian sấy dài. Các lò đốt phế phẩm gỗ đều nằm trong khu dân cư nên khói tạt vào nhà người dân sống quanh khu vực. Điều này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thường ngày của người dân.
Hoạt động của các cơ sở chế biến này không có thời gian cụ thể, cứ có đơn hàng là họ đốt lò để sấy, ép gỗ. Có hôm nhiều lò cùng đốt, khói bay mù mịt, nhất là những hôm thời tiết có sương mù, khói không bay lên mà đều bay vào trong nhà khiến không thể thở được. Nhất là trong những ngày vừa qua, mặc dù lạnh nhưng khi các lò sấy gỗ hoạt động, khói bay vào nhà gây ngạt, người già và trẻ em đều phải bỏ ra ngoài để thở. Được biết, người dân trên địa bàn các xã: Minh Sơn, Sơn Hà… đều đã phản ánh tình trạng này đến các cấp chính quyền nhưng tình hình vẫn không có nhiều thay đổi.
Về vấn đề này, ông Cao Văn Hòa, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Thời gian qua, phòng đã phối hợp với các phòng chức năng khác và chính quyền cơ sở thực hiện kiểm tra 20 cơ sở chế biến, sấy, ép gỗ trên tuyến quốc lộ 1A, qua kiểm tra hầu hết các cơ sở chế biến đều vi phạm về việc thực hiện báo cáo quan trắc môi trường định kỳ, có cơ sở còn chưa đăng ký kinh doanh, sản xuất…
Theo ông Hòa, những cơ sở vi phạm đã xử lý theo hướng phạt vi phạm hành chính, ký cam kết phải có báo cáo quan trắc môi trường định kỳ theo từng tháng, từng quý, nếu không thì sẽ xử lý theo hướng cho ngừng hoạt động.
Theo cơ quan chuyên môn của huyện, hiện nay chỉ xử lý vi phạm hành chính, còn việc xem xét lượng khói thải ra môi trường có thành phần gì thì chưa thực hiện được. Lý do, phòng chuyên môn của huyện mới chỉ thực hiện kiểm tra về điều kiện hoạt động của các cơ sở chế biến, sấy gỗ. Còn việc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm các thành phần thải ra môi trường phải có sự phối hợp từ cơ quan cấp tỉnh, bởi điều kiện thiết bị và vật chất của huyện chưa đáp ứng được.
Hữu Lũng là địa bàn có nhiều cơ sở chế biến gỗ, điều này góp phần giúp nghề rừng của huyện phát triển. Tuy nhiên, việc quan tâm, xử lý môi trường của các cơ sở chế biến, sấy, ép gỗ này cũng cần được quan tâm. Ngoài việc thường xuyên kiểm tra về lượng khói thải, thì điều cần thiết nhất mà người dân sống trên địa bàn huyện mong mỏi là khẩn trương di dời các lò đốt ra khỏi khu vực đông dân cư như hiện nay. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm đối với các cơ cở chế biến, sấy, ép gỗ vi phạm về những quy định trong việc xả thải, gây ảnh hưởng đến môi trường.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()