Hữu Lũng: Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa
(LSO) – Những năm qua, ngoài tập trung phát triển kinh tế, huyện Hữu Lũng có nhiều hoạt động, giải pháp để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Hữu Lũng là địa bàn có hệ thống di tích phong phú và đa dạng với 84 di tích, gồm: 4 di tích lịch sử, 72 di tích kiến trúc nghệ thuật, 6 di tích khảo cổ, 2 di tích danh lam thắng cảnh. Đây cũng là vùng đất có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống như: Tày, Nùng, Kinh, Hoa, Dao… Mỗi dân tộc có những nét văn hóa bản sắc riêng, tạo nên những giá trị di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đặc sắc của huyện.
Ông Khổng Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin (VH-TT) huyện Hữu Lũng cho biết: Để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, chúng tôi luôn chú trọng tham mưu với UBND huyện thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa. Đối với công tác quản lý di tích, hiện nay, 100% số xã, thị trấn có di tích đã thành lập ban quản lý di tích. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức và tham gia các chương trình hội thảo khoa học và một số hoạt động khảo sát, kiểm kê, điền dã… Đồng thời chú trọng tập huấn, bồi dưỡng, từ đó, nâng cao nhận thức về di sản văn hóa cho cán bộ chuyên môn và Nhân dân.
Lễ hội đền Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự (năm 2019)
Cùng đó, công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện quan tâm. Đặc biệt là việc khôi phục các lễ hội truyền thống. Từ năm 2012 đến nay, huyện đã phục dựng thành công rất nhiều lễ hội như: hội hát sli, hội đền Bắc Lệ (xã Tân Thành), hội Trò Ngô (xã Yên Thịnh)… Theo đó, nhiều làn điệu dân ca và phong tục truyền thống được khôi phục như: trò diễn sĩ – nông – công – thương, trò múa dậm, các làn điệu: hát pá xoan của người Dao, hát nhả tơ (hát cửa đình); hát then, sli của người Tày, Nùng… Nhờ đó, năm 2018, Lễ hội Trò Ngô, xã Yên Thịnh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đáng chú ý, công tác lập hồ sơ, xếp hạng di tích trên địa bàn các xã, thị trấn thường xuyên được UBND huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng VH-TT phối hợp với UBND các xã có di tích đủ điều kiện, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh. Kết quả, năm 2017, đền Khuôn Dầu (xã Tân Thành) được xếp hạng di tích cấp tỉnh, các di tích còn lại đang trong quá trình chờ xếp hạng.
Cũng trong thời gian qua, công tác xác định ranh giới, cắm mốc vị trí các điểm di tích và cấp “sổ đỏ” cho các di tích trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 5 năm (2016-2020), Hữu Lũng đã có 9 di tích được khoanh vùng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều di tích trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư, tôn tạo như: đền Bắc Lệ (xã Tân Thành), đền Phú Vị (xã Hồ Sơn), đình Bơi (xã Sơn Hà), nghè Ông Vũ (xã Yên Thịnh)… Từ năm 2016 đến năm 2020, huyện đã trùng tu, tôn tạo 9 di tích với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng, trong đó, nguồn xã hội hóa là gần 8 tỷ đồng và nhà nước hỗ trợ 750 triệu đồng. Yếu tố tạo nên giá trị các di tích còn được thể hiện qua các lễ hội gắn với di tích. Được biết, kinh phí tổ chức của toàn bộ 23 lễ hội trên địa bàn đều được sử dụng từ nguồn công đức và nhân dân đóng góp. Các lễ hội luôn được quan tâm tổ chức trang trọng, tiết kiệm, văn minh.
Ông Khổng Hồng Minh, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết thêm: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc. Tiếp tục phối hợp, tham mưu thực hiện tốt việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoanh vùng bảo vệ các di tích có đủ điều kiện và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh Nhân dân trong bảo tồn các di sản văn hóa…
Ý kiến ()