Hữu Liên “khát” nguồn nước sạch
LSO-Hiện tại, đến 74% số hộ dân trên địa bàn xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng thiếu nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh.
LSO-Hiện tại, đến 74% số hộ dân trên địa bàn xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng thiếu nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Tại buổi tiếp xúc giữa cử tri với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vừa qua, có 7/16 ý kiến của cử tri kiến nghị với lãnh đạo tỉnh về việc xây dựng công trình cung cấp nước sạch cho bà con trong xã.
Ông Hoàng Văn Hoanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã bên bể nước |
Đến Hữu Liên vào một ngày cuối tháng 6, giữa trùng điệp núi rừng gió lộng mà không xua đi được cái nóng oi bức của ngày hè. Qua UBND xã, chúng tôi ngỏ ý muốn nhờ xã dội qua người một chút cho dịu cơn nóng và đỡ bụi đường, nhưng anh cán bộ văn phòng kéo chúng tôi lại bảo: các chú thông cảm cho, nước sạch ở đây quý và hiếm lắm, ủy ban xã chỉ còn chút nước ở trong bể chứa thôi, để dành đun nước uống, mấy ngày nay không mưa nên không lấy được nước về. Nghe vậy, chúng tôi gạt mồ hôi xin phép qua gặp lãnh đạo xã để làm việc. Khi nghe chúng tôi đề cập đến việc tìm hiểu về vấn đề nước sạch nông thôn, ông Lèo Văn Sin, Chủ tịch UBND xã buồn rầu tâm sự: Khổ lắm các nhà báo ạ, bao nhiêu năm nay người dân của xã thiếu nguồn nước sinh hoạt, thiếu ăn, thiếu mặc còn chịu được chứ thiếu nước thì khó chịu lắm, nhất là trong những ngày oi bức thế này. Ngay đến UBND xã, đã hai lần thuê thợ về khoan giếng nhưng đều không được, một lần thì không khoan được vì toàn gặp đá, một lần thì không có nước, ủy ban xã chỉ có một cái bể chứa nước được dẫn từ khe trên đồi về. Người dân đã nhiều lần đến kiến nghị với xã về việc xây dựng công trình cung cấp nước sạch, xã thì kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay người dân Hữu Liên vẫn thiếu nước sạch. Để rõ hơn, chúng tôi đã đến tìm hiểu ở một số thôn của xã, tại thôn Ao Bải, anh Lý Văn Hiến, Bí thư chi bộ thôn, cho biết: Trong thôn có khoảng 60% số hộ đào giếng khơi, có nhà giếng có nước, nhà đào nhiều lần cũng không gặp nguồn nước, có nhà tuy giếng có nước nhưng cũng không dùng để ăn được vì nước đục, giếng thì phải đào rất sâu, từ 10 đến gần 20m. Những giếng có nước sinh hoạt được cũng chỉ đủ dùng trong khoảng 3 đến 6 tháng trong năm. Từ đầu năm đến nay, lượng mưa tương đối nhiều nên khả năng sẽ có nước dùng đến tháng 10. Vào mùa khô thì không có nước, bà con phải đi lấy nước ở những con suối, con đập hoặc những ruộng thụt. Tại thôn Làng Que còn vất vả hơn, anh Hoàng Văn Trúc cho biết: Làng Que có 107 hộ dân, gần như quanh năm đi thồ nước ở những con mương, con suối về sinh hoạt, giếng đào rất sâu mà cũng không có nước, bao nhiêu năm nay ngươi dân chỉ mong có được một nguồn nước ổn định đủ dùng chung cả thôn cho đỡ vất vả. Nhiều người dân ở xã khác sang chơi hay trêu đùa “Dân Làng Que là yêu nước nhất”, câu đùa vui nhưng cũng chạnh lòng. Đến thôn Liên Hợp, ông Hoàng Văn Hoanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết, thôn có 62 hộ dân, vào mùa mưa thì nhiều hộ có đủ nước sinh hoạt, nhưng đến mùa khô, cả thôn dùng chung nước ở cái “giếng làng”, trước đây chỉ có khoảng 5 đến 10 hộ dùng nước ở giếng, đến nay số hộ tăng lên nhanh chóng nên nước giếng không đủ cung cấp cho thôn, bà con phải đi rất xa để lấy nước sinh hoạt.
Trao đổi về nguyên nhân thiếu nước, ông Sin cho biết: Vị trí địa lý của xã vốn ở trên cao, chủ yếu là đất đồi, núi, mặt bằng ít nên các hộ dân phải sống ở lưng chừng đồi không có nguồn nước, bởi nước chảy từ cao xuống vùng thấp, phía dưới thấp đất bằng phẳng, có nhiều nước hơn thì phải để canh tác nông nghiệp đảm bảo lương thực. Nhất là, trong những năm qua, diện tích rừng bị tàn phá nặng nề, cây rừng bị đốn, chặt nên đất không giữ được nước. Hy vọng rằng, trong thời gian gần đây xã sẽ có được những công trình cung cấp nước sạch sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, để bà con xã không còn cảnh “khát” nước vào mùa khô.
ANH DŨNG
Ý kiến ()