Hữu Liên: Bảo tồn và phát triển bền vững cây hoàng đàn
– Nhờ sự nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát triển cây hoàng đàn Hữu Liên của Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng Hữu Liên và người dân trên địa bàn, đến nay, loài cây này đang phục hồi về số lượng cá thể. Từ hơn 80 cây ban đầu (năm 2010), đến nay toàn xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng đã triển khai trồng được gần 700 cây tại khuôn viên Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng, tại các trường học và vườn cây của các hộ dân…
Những ngày giữa tháng 8, chúng tôi đến với rừng đặc dụng Hữu Liên để tìm hiểu về công tác bảo tồn, phát triển loài cây quý hiếm, chỉ có riêng tại vùng đất này – hoàng đàn Hữu Liên. Được biết, trước năm 2010, loài cây này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng khi chỉ còn hơn 80 cây sống rải rác trên các khu rừng, trong vườn một số hộ dân thuộc các xã Hữu Liên, Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng) và xã Vạn Linh (huyện Chi Lăng).
Người dân xã Hữu Liên nhân giống cây hoàng đàn từ phương pháp gieo hạt
Ông Lê Văn Hùng, Trưởng Phòng Bảo tồn và Dịch vụ môi trường rừng, BQL rừng đặc dụng Hữu Liên cho biết: Qua thực tế và các nghiên cứu khoa học, hoàng đàn Hữu Liên có nhiều giá trị như: làm đồ gia dụng, mỹ nghệ cao cấp (do gỗ có mùi thơm, thớ thẳng, vân đẹp); tinh dầu được dùng làm hương liệu, điều chế xà phòng, nước hoa; làm thuốc chữa sưng tấy, ứ huyết, sai khớp; cành và lá dùng chữa nôn, trĩ, bỏng; bột gỗ được dùng làm hương quý… Chính vì nhiều lợi ích như vậy nên loài cây này bị khai thác quá mức từ những năm 1970.
Với quyết tâm bảo tồn loài cây quý, từ năm 2013 đến nay, BQL rừng đặc dụng Hữu Liên đã tập trung nghiên cứu, thử nghiệm nhiều phương pháp nhân giống. Các phương pháp gieo hạt, giâm hom, chiết cành… đều được đưa ra thử nghiệm. Mỗi phương pháp đều có lợi điểm riêng, song đơn vị nhận định phương pháp gieo hạt là phù hợp nhất, giúp cây con có khả năng thích ứng với điều kiện ngoại cảnh, tạo cơ sở cho công tác lai tạo sau này. Do đó, BQL đã triển khai áp dụng theo phương pháp này.
Sau 5 năm triển khai, phương pháp nhân giống và quy trình trồng, chăm sóc được thống nhất và triển khai tới một số đơn vị trường học, hộ dân trên địa bàn xã tự trồng và tiếp tục nhân rộng. Đến nay, toàn xã đã trồng được gần 700 cây, trong đó, tại khuôn viên BQL rừng đặc dụng Hữu Liên trồng được 450 cây; tại các hộ dân và trường học trên địa bàn trồng gần 250 cây. Các cây đều khoẻ mạnh, phát triển tốt và đồng đều.
Đáng chú ý, một số hộ dân đã chủ động học hỏi, được BQL rừng đặc dụng Hữu Liên hướng dẫn cách tự nhân giống để phát triển kinh tế gia đình như hộ anh Vi Văn Để, thôn Liên Hợp, xã Hữu Liên. Anh Để chia sẻ: Năm 2020, tôi gieo thử 1.000 hạt giống theo hướng dẫn của BQL rừng đặc dụng, và thông qua mạng xã hội để bán giống cây với giá từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/ cây, thu về gần 70 triệu đồng. Khách mua về để trồng làm cảnh là chính. Năm nay, tôi tiếp tục gieo thêm 2.000 cây để tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Để tiếp tục bảo tồn và phát triển bền vững loài cây hoàng đàn quý hiếm, ông Phạm Văn Cấp, Giám đốc BQL rừng đặc dụng Hữu Liên cho biết: Về cơ bản, chúng tôi đã thực hiện được mục tiêu bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cho loài cây quý hiếm này. Từ nay đến năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục nuôi trồng thêm hơn 500 cây hoàng đàn trong khuôn viên của BQL. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học để tìm hiểu thêm những lợi ích khác từ loài cây hoàng đàn Hữu Liên. Từ đó, phối hợp với chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn triển khai trồng nhân rộng, phát triển loài cây này theo hướng bền vững, lâu dài và hướng đến các giá trị gia tăng từ việc khai thác, tạo sản phẩm phục vụ cho du lịch, y học…
Nhờ định hướng và cách làm đúng đắn, hiệu quả, loài cây hoàng đàn Hữu Liên tưởng như tuyệt chủng, nay đã được hồi sinh và bước đầu tạo ra giá trị kinh tế. Việc tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp để hướng tới phát triển bền vững loài cây này đang tiếp tục được các cấp, ngành của tỉnh và địa phương quan tâm, hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ môi trường.
Hoàng đàn Hữu Liên (Cupressus tonkinensis) thuộc họ hoàng đàn, là loài thực vật đặc hữu hẹp, hiếm, được xếp ở mức độ rất nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam, được các nhà khoa học đề nghị xếp ở mức đang bị tuyệt chủng trầm trọng ngoài tự nhiên. |
Ý kiến ()