Hữu Lễ: Phát triển kinh tế từ nghề truyền thống
(LSO) – Từ bao đời nay, rất nhiều người dân tại xã Hữu Lễ (huyện Văn Quan) đã sinh sống bằng nghề chưng cất rượu. Trải qua một thời gian dài, hiện nay, sản phẩm “rượu men lá Hữu Lễ” đã trở thành nhãn hiệu được nhiều người biết đến. Nhờ đó, nghề nấu rượu góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.
Theo bà Nông Thị Chỉ, thôn Đon Chợ, một trong những người làm nghề nấu rượu lâu năm tại xã Hữu Lễ, có hai bí quyết khiến cho rượu men lá Hữu Lễ trở thành đặc sản tại đây. Thứ nhất chính là nguồn nước sạch được dẫn từ trên núi về để sử dụng trong quá trình chưng cất rượu; thứ hai là loại men lá đặc biệt được người dân tại đây sử dụng. Để có được men lá chuẩn, cần sử dụng 3, 4 loại cây thuốc kết hợp với bột gạo theo tỷ lệ phù hợp để tạo nên men ủ rượu.
Chị Nông Thị Nhép (thôn Đon Chợ) kiểm tra chất lượng rượu do gia đình sản xuất ra
Vì toàn bộ nguyên liệu đều có nguồn gốc từ tự nhiên, rượu sau khi được chưng cất có mùi thơm của lá thuốc, có vị ngọt của nước trên núi. Với những ai từng uống rượu men lá Hữu Lễ, có lẽ sẽ không quên được hương vị cay nồng, thơm dịu của nó. Còn đối với những người chưng cất lâu năm, chỉ cần ngửi và nhìn cũng có thể biết được chất lượng của mẻ rượu do mình nấu mà không cần nếm.
Bà Hoàng Thị Lệ (thôn Bản Lượi) là một trong những hộ sản xuất rượu men lá lớn nhất tại xã Hữu Lễ. Bà Lệ cho biết: Mỗi ngày gia đình tôi nấu khoảng 3 mẻ rượu, được khoảng 30 lít/ ngày. Lúc cao điểm (tháng 7 đến tháng 11 âm lịch), con số này lên tới hơn 50 lít/ngày. Với giá trên thị trường là 25.000 đồng/lít, trung bình mỗi tháng, gia đình tôi thu lãi khoảng 7 đến 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Cùng với 2 hộ gia đình trên, hiện nay, tại xã có nhiều hộ phát triển kinh tế gia đình từ nghề nấu rượu như: hộ ông Nông Văn Đoàn (thôn Bản Rượi), ông Nông Văn Nền, Bế Văn Huệ (thôn Đon Chợ)…
Hiện nay, toàn xã Hữu Lễ có khoảng 100 hộ làm nghề nấu rượu, chủ yếu tập trung tại 2 thôn là Bản Rượi và Đon Chợ. Tổng sản lượng rượu của xã ước đạt 300 – 400 lít/ngày, cao điểm khoảng 500 lít/ ngày. Trung bình, mỗi năm, tại đây có hơn 120.000 lít rượu men lá được bán ra thị trường. Được biết, sản phẩm không chỉ phục vụ riêng thị trường trong tỉnh mà còn được nhiều khách hàng tại Cao Bằng, Bắc Giang… ưa chuộng đặt mua. Qua đó cho thấy, sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ đã và đang từng bước khẳng định chất lượng trên thị trường.
Ông Nông Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Lễ cho biết: Từ những năm 2015 đến nay, xã Hữu Lễ đã tạo điều kiện cho người dân đẩy mạnh sản xuất sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ, kết hợp với mở rộng thị trường. Đồng thời, xã đã có những biện pháp nhằm quản lý tốt chất lượng sản phẩm, cách thức sản xuất. Qua đó, góp phần đưa sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ có chỗ đứng trên thị trường, giúp người dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập.
Nhờ sự nỗ lực của bà con, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã và các cơ quan, đơn vị liên quan, tháng 7/2019, sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Tiếp đó, vào năm 2020, tại Hội nghị công bố kết quả và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ của hộ bà Nông Thị Chỉ (thôn Đon Chợ, xã Hữu Lễ) đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh.
Từ những kết quả trên có thể thấy, rượu men lá Hữu Lễ đã có chỗ đứng trên thị trường, nghề sản xuất rượu đã và đang giúp người dân có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế. Theo thống kê của UBND xã Hữu Lễ, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã là 36,2 triệu đồng/năm, tăng 24,7 triệu đồng/người so với năm 2015. Việc phát triển kinh tế từ nghề truyền thống đang được xem là một trong những hướng đi đúng đắn tại Hữu Lễ. Qua đó, người dân vừa có thể giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống, vừa yên tâm phát triển kinh tế. Hiện nay, có khoảng 10 hộ làm nghề nấu rượu tại xã có thu nhập trên 120 triệu đồng/năm, các hộ còn lại thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng/năm. Đây là một nguồn thu nhập không nhỏ giúp người dân phát triển kinh tế, nhất là đối với một xã còn nhiều khó khăn như Hữu Lễ.
Ý kiến ()