Hữu Khánh: Phát triển thuận lợi nhờ bê tông hóa đường giao thông
LSO – Do phát huy được những lợi thế của địa phương và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình phát triển khá mạnh. Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa của người dân, góp phần thiết thực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa ở xã Hữu Khánh
Mặc dù rất gần thị trấn Lộc Bình, nhưng từ năm 2004 trở về trước, do đường sá đi đến các thôn bản của xã Hữu Khánh chủ yếu là đường đất rất khó đi, nhất là vào ngày mưa chủ yếu là đi bộ nên đời sống của bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực tế trên, cấp ủy, chính quyền địa phương đã họp bàn và xác định: phải bê tông hóa đường GTNT mới tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc đi lại và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Ông Hà Văn Mộc, Chủ tịch UBND xã Hữu Khánh cho biết: Thuận lợi trong việc bê tông hóa đường GTNT trên địa xã là những tuyến đường đi đến các thôn bản, các nhóm hộ đều đã có đường đất. Vì vậy, trên cơ sở nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân chỉ việc khai thác cát sỏi, đóng góp tiền, ngày công để bê tông hóa tuyến đường. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND xã, các ban ngành, đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng các thôn bản…đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để dân hiểu về rõ mục đích, ý nghĩa của việc bê tông hóa đường GTNT. Năm 2004, trên cơ sở xi măng nhà nước hỗ trợ, nhân dân thôn Khòn Thống – thôn đầu tiên của xã đã khai thác cát, đóng tiền mua sỏi, chở nguyên vật liệu, góp ngày công bê tông hóa xong tuyến đường dài trên 500m từ đường Lộc Bình – Chi Ma rẽ vào thôn. Ngay sau khi con đường hoàn thành, phong trào bê tông hóa đường GTNT đã nhanh chóng phát triển, lan rộng sang các thôn khác. Năm 2005, thôn Bản Rỵ bê tông hóa đường GTNT từ đường Lộc Bình-Chi Ma vào thôn dài trên 800m, thôn Bản Khiếng bê tông hóa tuyến đường vào thôn dài trên 1.000m. Điều đáng nói là hưởng ứng phong trào bê tông hóa đường GTNT, mặc dù một số thôn còn gặp nhiều khó khăn như thôn Nà Mu dân cư ít, sống rải rác, trong khi đó tuyến đường cần phải bê tông lại khá dài, gần 3km. Nhưng khắc phục mọi khó khăn, trên cơ sở nhà nước hỗ trợ xi măng, toàn thôn khai thác cát, đóng tiền mua sỏi, đóng góp ngày công lao động với tổng số tiền gần 100 triệu đồng để bê tông hóa tuyến đường vào thôn. Với những thành tích đó, năm 2010, xã Hữu Khánh đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phát triển GTNT. Đây chính là động lực động viên, khích lệ người dân tiếp tục hăng hái tham gia bê tông hóa đường làng ngõ xóm. Vì vậy, cùng với việc bê tông hóa đường trục chính, phong trào bê tông hóa đường GTNT nội thôn, bê tông hóa đường GTNT đến các nhóm hộ phát triển mạnh. Đến nay, 4 thôn khu vực trung tâm như: Bản Khiếng, Khòn Thống, Bản Rỵ, Nà Mu, đường GTNT nội thôn cơ bản đã được khép kín đến từng nhóm hộ. Nhiều hộ còn bê tông hóa đến tận cổng, sân nhà. Năm 2012, trên cơ sở nhà nước hỗ trợ 400 triệu đồng, nhân dân 2 thôn Bản Quang, Phiêng Phấy đã đóng góp mỗi hộ từ 400-500 nghìn đồng để bê tông hóa tuyến đường liên thôn dài 550m…Đường GTNT không chỉ làm thay đổi diện mạo của các thôn xóm mà còn góp phần giải phóng sức lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa của địa phương. Bà Lâm Thị Diên, thôn Bản Khiếng cho biết: Trước đây, từ thu hoạch lúa, ngô về nhà đến việc mang phân bón ra đồng, bà con nông dân đều phải gánh trên đôi vai vất vả lắm. Hiện nay, đường GTNT đã được bê tông hóa, bà con đã không còn phải dùng sức để gánh mà sử dụng xe máy hoặc các xe nông cụ để chở vừa nhanh, vừa thuận tiện nên mọi người rất phấn khởi.
Tính đến nay, Hữu Khánh đã bê tông hóa được gần 10km trên tổng số 13km đường GTNT trong toàn xã, đạt gần 80% với tổng số tiền người dân đóng góp, khác thác cát, sỏi, công lao động gần 1 tỷ đồng. Nhờ phong trào bê tông hóa đường GTNT phát triển mạnh, đời sống của bà con không ngừng được cải thiện. Rất nhiều hộ đã xây được nhà 2-3 tầng khang trang. Số hộ nghèo của xã đã giảm từ trên 20% năm 2008 đến nay chỉ còn 7,3%.
Bài, ảnh: Đức Anh
Ý kiến ()