Hút thuốc lá làm giảm khả năng đáp ứng điều trị của y học hiện đại
Theo Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), đối những bệnh nhân ung thư phổi có nghiện thuốc lá thì phương pháp điều trị mới như điều trị đích, thường có tỷ lệ đáp ứng không cao.
Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh hô hấp.
Theo các chuyên gia y tế, bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.
90% bệnh nhân ung thư phổi do thuốc lá
Phó giáo sư Phan Thu Phương – Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay hút thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu nhất gây ra bệnh về phổi như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, bệnh lao phổi… trong đó, có tới 90% bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là có tiền sử dùng thuốc lá.
Theo thống kê của trung tâm, những bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi dừng hút thuốc/cai thuốc lá thì bệnh giảm sự tiến triển. Những bệnh nhân đã điều trị, đã có đơn thuốc việc tác dụng của đơn thuốc tốt hơn, giảm thiểu tối đa lượng thuốc dùng. Đáng lưu ý hơn những bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mà vẫn hút thuốc lá luôn phải trong tình trạng vào viện liên tục và cuộc sống ngắn hơn.
“Hầu như ai cũng biết ung thư phổi nguy cơ nhiều nhất là do hút thuốc. Tại trung tâm chúng tôi đã gặp và tiếp nhận nhiều bệnh nhân ung thư phổi với tiên lượng rất dè dặt, nhiều bệnh nhân đến viện trong giai đoạn muộn, nên hiệu quả hạn chế so với các bệnh ung thư khác. Đáng lưu ý, đối những người ung thư phổi có nghiện thuốc lá thì với phương pháp điều trị mới như điều trị đích thường có tỷ lệ đáp ứng không cao. Đó là những khó khăn trong điều trị với bệnh nhân hút thuốc. Vì vậy, bỏ thuốc lá không bao giờ là muộn, bất kỳ thời điểm nào đều tốt trong công tác điều trị,” phó giáo sư Phan Thu Phương phân tích.
Phó giáo sư Phan Thu Phương chỉ rõ khói thuốc lá có tới 7.000 chất hóa học khác nhau, do đó khi hít khói thuốc này vào cơ thể (cả hút thuốc chủ động và thụ động) sẽ phá hủy cấu trúc giải phẫu bình thường của đường hô hấp, làm ảnh hưởng tới cơ chế tự bảo vệ và hệ thống nhung mao, những tế bào miễn dịch của đường hô hấp. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng với những người hút thuốc lá sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, thường xuyên ho khạc đờm và đặc biệt là khi bội nhiễm (nhiễm cả vi khuẩn và virus). Đó là điều kiện thuận lợi cho việc xâm nhập của vi khuẩn và virut vào trong đường thở gây nên bệnh.
Phân tích về tác hại của thuốc lá tới sức khoẻ con người, phó giáo sư Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá cho hay sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.
Vì vậy, ông Khuê nhấn mạnh, mỗi người không hút thuốc, cai thuốc lá sớm là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tật, giảm bớt gánh nặng bệnh không lây nhiễm mà hiện vẫn đang chiếm tới hơn 70% gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam.
Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm mạnh
Thực tế, qua 9 năm thực hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 tại các tỉnh, thành phố do Trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện năm 2020 cho thấy so với năm 2015 tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm 45,3% xuống 42,3%. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm cũng giảm so với năm 2015 như nơi làm việc, giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà, giảm từ 59,9% xuống 56,0%, tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar/cà phê/ trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%.
Tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế đã tăng mạnh, từ 40,5% (năm 2015) lên và 72,2% (năm 2020).
Đặc biệt, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá năm 2020 đã có những chuyển biến rõ rệt, cao hơn năm 2015: 96% người tin rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi; 81% tin rằng hút thuốc lá gây đột quỵ, 77% tin rằng hút thuốc lá gây đau tim và 72% tin rằng hút thuốc là gây ra cả 3 bệnh trên; có 65% người dân đã từng nghe tới Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể như: Tại nơi làm việc giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9% xuống 56,0%.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, chỉ trong 2 năm 2019-2020, số lượng các đơn vị thực hiện nghiêm quy định môi trường không khói thuốc đạt được là: 7.957 trường mẫu giáo, 7.846 trường tiểu học, 4.606 trường trung học cơ sở, 1.318 trường trung học phổ thông, 202 trường đại học, cao đẳng; 598 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; 4325 nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong nhà; 377 công ty xe khách thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và cấm hút thuốc trên xe khách; 371 khách sạn thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong nhà; 513 nhà hàng thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong nhà.
Phải ngăn chặn thuốc lá thế hệ mới
Theo phó giáo sư Khuê, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức như tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao; các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá hút Shisha); tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.
Theo nghiên cứu về Sức khỏe thanh thiếu niên ở nhóm tuổi 13-17 tuổi ở Việt Nam của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử chiếm 2,6% năm 2020. Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25-44 tuổi (3,2%), 45-64 tuổi (1,4%).
Trước việc xuất hiện tràn lan các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá dạng hút Shisha, được mua bán, quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ, tiến sỹ Socorro Escalante – Quyền đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khẳng định: “Đây cũng là những sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khỏe.”
Ông cho rằng nếu không kịp thời ngăn chặn thì trong tương lai gần, các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Trong khi đó, ông Lương Ngọc Khuê cho biết: “Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đang đánh giá Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, trong đó, kiến nghị bổ sung cấm sản phẩm thuốc lá phi truyền thống như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… Bộ Y tế và Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Chính phủ về việc này. Chúng tôi đã nhận được những khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới về việc sử dụng nhiều và tác hại của thuốc lá thế hệ mới, nhằm truyền thông để nêu rõ tác hại của loại thuốc lá phi truyền thống này.”
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, nên công tác phòng chống tác hại của thuốc lá là một chương trình lâu dài và cần có những chính sách mạnh mẽ về tăng thuế, xây dựng môi trường không khói thuốc. Vì vậy, cần đẩy mạnh truyền thông hiệu quả, cùng với sự can thiệp phù hợp đối với những sản phẩm thuốc lá mới và cấm hoàn toàn các chiêu thức quảng cáo, khuyến mại của ngành công nghiệp thuốc lá… với nỗ lực thường xuyên và bền bỉ mới có thể giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá và giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng sản phẩm này./.
Nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp và cộng đồng đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá. Hàng năm được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5. Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn chủ đề: “Thuốc lá – mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” làm chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2022. |
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()