Hụt thu lớn, Hà Nội phải “mạnh tay” giảm chi
Sáng 26-9, Hà Nội đã họp bàn về tình hình thực hiện thu, chi ngân sách chín tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp điều hành ngân sách những tháng cuối năm 2013. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
– Sáng 26-9, Hà Nội đã họp bàn về tình hình thực hiện thu, chi ngân sách chín tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp điều hành ngân sách những tháng cuối năm 2013. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Báo cáo nợ xây dựng cơ bản “vênh” với báo cáo kiểm toán
Theo thống kê đến hết tám tháng đầu năm 2013, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội là gần 80 nghìn tỷ đồng đạt 49,5% dự toán, bằng 93,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 28.768 tỷ đồng,bằng 50% dự toán.
Căn cứ vào tình hình thực hiện thu nêu trên UBND TP Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan như thuế, tài chính dự báo tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong năm 2013 ước 120.672 tỷ đồng đạt 74,7% dự toán HĐND TP giao, chi ngân sách địa phương ước thực hiện 55.880 tỷ đồng, đạt 97,1% dự toán.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tính đến 31-12-2012 có 11 quận huyện thị xã có nợ xây dựng cơ bản (XDCB) với tổng số nợ là 989 tỷ đồng của 1.547 dự án.
Mặc dù TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo xử lý nợ nhưng đến ngày 31-8-2013 toàn TP còn 11/29 đơn vị còn nợ XDCB với tổng số tiền 709,8 tỷ đồng của 1.038 dự án.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do tình hình thu đấu giá đất năm 2013 khó khăn, số thu đạt thấp, nhiều nơi tổ chức đấu giá đất không thành công.
Tại cuộc họp, đại diện của một số quận, huyện cũng bày tỏ lo ngại về tình hình thu chi ngân sách hiện nay cũng như về giải pháp phát hành trái phiếu để huy động vốn.
Theo bà Phùng Thị Hồng Hà, Bí thư huyện ủy huyện Thanh Oai, nếu chúng ta tiếp tục phát hành trái phiếu sẽ tăng áp lực thu ngân sách năm 2014 và nhiều vấn đề phát sinh khác nữa. Đối với ba tháng cuối năm, Hà Nội cần phải có những giải pháp cụ thể, căn cơ, chuẩn bị phương án hụt thu cũng như phải tính đến việc tiết kiệm chi tương ứng.
Ông Lê Văn Hoạt, phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nhấn mạnh, dự toán thu chi ngân sách năm 2013 đã được Hà Nội tính toán rất kỹ, chu đáo, và giao cho các địa phương từ rất sớm. Do đó, việc triển khai công tác rất tiến bộ ngay từ những tháng đầu năm, tỷ lệ chậm phân bổ, chậm giao cũng giảm khá nhiều.
“Do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nên việc thu ngân sách cả năm 2013 ước đạt khoảng 74,7% của chúng ta nếu không cố gắng sẽ khó đạt được. Có thể thấy chưa năm nào cân đối ngân sách khó khăn như năm nay”, ông Hoạt bày tỏ lo ngại.
Tính đến thời điểm này các khoản thu vượt kế hoạch của Hà Nội vẫn chủ yếu là các khoản thu nhỏ, không đáng kể trong khi đó tiền sử dụng đất trong tám tháng mới chỉ đạt trên 2.000 tỷ.
Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, bây giờ không phải là lúc quyết định chung chung nữa mà cần xác định mức an toàn cho các khoản cân đối ngân sách; quyết liệt rà soát các nhiệm vụ chi (kể cả chi thường xuyên, chi xây dựng cơ bản) trên tinh thần cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cấp bách; xác định chính xác phần thiếu hụt do mất cân đối nguồn thu.
Ngoài việc cắt giảm, sử dụng quỹ dự trữ tài chính theo quy định, Hà Nội cũng cần rà soát các quỹ tài chính hiện có, cân nhắc thật kỹ việc phát hành trái phiếu nếu không nguy cơ nợ ngân sách sẽ bị quá tải.
Hiện tại, vấn đề nợ XDCB của các quận huyện Hà Nội đang có chiều hướng tiếp tục gia tăng, việc tổng hợp nợ theo báo cáo còn có… vấn đề. Ông Hoạt dẫn chứng, theo báo cáo trình UBND thì huyện Đan Phượng không nợ đọng XDCB nhưng con số này lại là 298 tỷ theo báo cáo của cơ quan kiểm toán nhà nước … Và sự chênh lệch về con số giữa báo cáo và nợ XDCB này diễn ra tại nhiều địa phương của Hà Nội. “Trong vấn đề quản lý nợ XDCB dù TP đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng có cảm tưởng giống như thuốc kháng sinh bị nhờn, không ăn thua”, ông Hoạt nói.
Bên cạnh đó các khoản nợ thuế, phí của Hà Nội cũng tăng nhanh, trong đó nợ thuế là trên 6.000 tỷ. Về phân bổ ngân sách, dù đã được ghi trong nghị quyết của HĐND TP nhưng nhiều năm qua vẫn để phân bổ chậm. Đến tháng 8-2013 vẫn còn khoản tiền lớn chưa phân bổ.
Số kết dư ngân sách của các quận huyện cũng rất đáng lo ngại. Kể cả các đơn vị tự cân đối được vẫn để vốn kết dư lớn và những đơn vị “chờ” bổ sung con số kết dư cũng cao thí dụ như Hà Đông 1.103,8 tỷ, Hoàng Mai là 759 tỷ…
Hà Nội không trả nợ hộ các quận, huyện
Trước thực trạng hiện nay, bà Ngô Thị Doãn Thanh, chủ tịch HĐND TP Hà Nội nhận định: Từ năm 2013 trở về trước Hà Nội toàn thu ngân sách vượt kế hoạch được giao, có năm vượt 15%, năm ngoái tình hình khó khăn cũng vượt 0,5% nhưng năm nay dự báo chúng ta khó vượt kế hoạch, cố gắng phấn đấu đạt 75% kế hoạch thu.
“Nếu Hà Nội bị hụt thu 25% thật sự sẽ rất khó khăn cho cả ngân sách trung ương chứ không chỉ cho Hà Nội. Thu thì thấp, chi chưa cao, đó là bức tranh chung của Hà Nội chín tháng qua. Đây là điều chưa từng xảy ra trong 15 năm qua.”, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nói.
Về vấn đề nợ XDCB, thời gian qua TP rất quan tâm để giải quyết xử lý. TP đã từng chỉ 2000 tỷ đồng với hy vọng xóa xong nợ sẽ không có nợ mới, song hiện nay số nợ xuất hiện lại xấp xỉ bằng con số khi Hà Nội …chưa xóa.
Do đó các quận huyện cần rà soát lại con số nợ XDCB, chủ động bố trí ngân sách để giải quyết nợ. Theo nguyên tắc của Luật Ngân sách thì nợ cấp nào cấp ấy trả. Bà Thanh chỉ rõ, trong năm 2014 TP chưa có và cũng không có khả năng trả hộ cho các quận huyện.
Về vấn đề cân đối thu chi, Hà Nội hiện hụt thu 11.800 tỷ do đó phải tích cực thu hơn nữa, cố gắng đạt cao hơn con số 75% mới có thể giúp xử lý hụt thu. Nếu chúng ta không dự báo đúng con số thu sẽ ảnh hưởng đến việc chi ngân sách.
Trong ba tháng còn lại, Hà Nội phải rà soát kỹ tất cả các khoản chi chưa được thực hiện, chi chưa thực sự cấp bách, mạnh dạn cắt giảm những khoản chi chưa cần thiết, thu hồi các khoản chi thường xuyên, khoản thu đầu tư đã giao nhưng tính đến ngày 30-9 chưa phân bổ. Các địa phương cần xác định chính xác tổng chi còn thiếu để có giải pháp phù hợp vì hiện nay vẫn chưa có điều chỉnh kế hoạch chi.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng cho rằng, vấn đề quản lý chi của Hà Nội chưa được sát sao, quyết liệt. Theo báo cáo, TP dù cố gắng đến mức tối đa cũng không hoàn thành chỉ tiêu mà TP và trung ương giao. Điều đó cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề. Điều cần làm đó là tăng thu và chặt chi hơn nữa.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát những việc có thể tăng thu giảm chi. Về phí trông xe làm gì có ai trông xe 2000 đ/ xe máy, 10.000 đồng/ ô tô nhưng thực tế đã tăng, không điều chỉnh sẽ bị thất thoát nguồn thu.
UBND TP cần chỉ đạo quyết liệt phối hợp với các cơ quan liên quan chống thất thu ngân sách, kiên quyết, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với nhà nước.
Việc quản lý điều hành thu chi ngân sách cần hiệu quả hơn nữa, cắt giảm các khoản chi không cần thiết…tập trung ngân sách cho các nhiệm vụ trọng tâm an sinh xã hội, rà soát các dự án, kiên quyết các dự án thu chi không đúng, điều chỉnh dự toán thu chi ngân sách theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kiên quyết đấu tranh với hành vi gây phiền hà sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc kê khai phí, lệ phí, tiền thuê sử dụng đất…Quán triệt tư tưởng thu chi ngân sách là nhiệm vụ quan trọng trong mọi cơ quan, đơn vị, cá nhân, tổ chức…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()