Hụt thu, bội chi ngân sách – bài toán khó cần lời giải
Hụt thu hơn 63.000 tỷ là vấn đề nổi bật của năm tài khóa 2013. Đây là năm đầu tiên đất nước không hoàn thành dự toán thu ngân sách, hụt thu lớn đã làm đảo lộn dự toán ngân sách, buộc Chính phủ phải trình Quốc hội tăng bội chi để bù đắp.
– Hụt thu hơn 63.000 tỷ là vấn đề nổi bật của năm tài khóa 2013. Đây là năm đầu tiên đất nước không hoàn thành dự toán thu ngân sách, hụt thu lớn đã làm đảo lộn dự toán ngân sách, buộc Chính phủ phải trình Quốc hội tăng bội chi để bù đắp.
Trong buổi thảo luận ở hội trường sáng 2-11 về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, nhiều đại biểu đã mổ xẻ những nguyên nhân về tình trạng thâm hụt nặng về ngân sách và bội chi, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp.
Bội chi ngân sách do “vung tay quá trán”
Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), ngân sách đã phải lâm vào tình trạng này là do năm nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân tích cực. Đó là nỗ lực của chúng ta đầu tư làm nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở đô thị và xã hội để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Thứ hai, chúng ta thực hiện chính sách xã hội giảm việc phân hóa giàu, nghèo, cách biệt nông thôn, đô thị, thực hiện các chương trình quốc gia.
Ba nguyên nhân tiêu cực, theo đại biểu Trần Du Lịch, nếu không sửa là không làm được. Nguyên nhân thứ nhất liên quan đến thể chế phân bổ ngân sách, chúng ta duy trì quá lâu một thể chế phân bổ ngân sách theo kiểu xin cho, không rạch ròi, cái nào là ngân sách quốc gia, cái nào là ngân sách địa phương. Nguyên nhân thứ hai, đó là do vung tay quá trán trong chi tiêu, sự phình ra của bộ máy không ngân sách nào chịu nổi. Nguyên nhân thứ ba là kỷ cương, kỷ luật trong ngân sách, vấn đề thất thoát trong xây dựng cơ bản.
Cụ thể hơn, về phình bộ máy nhà nước, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng việc cồng kềnh, kém hiệu quả, ngân sách chi trả lương ngày càng tăng. Hiện nay, không còn bộ nào chỉ có bốn thứ trưởng như Quyết định 36 của Chính phủ đề ra mà đều lên đến từ năm đến chín thứ trưởng. Bộ máy như vậy sao không tăng chi ngân sách được. Đại biểu Danh Út đề nghị Chính phủ khẩn trương thực hiện khoán lương theo vị trí công việc vừa tiếp kiệm chi cho bộ máy, vừa có điều kiện cải cách tiền lương.
Còn đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, một nguyên nhân bội chi là do chúng ta thông qua rất nhiều luật. Dường như cứ mỗi luật ban hành ra thì lại phình thêm bộ máy, lại tiếp tục tăng thêm ngân sách, tăng thêm chi tiêu. Vì thế, ông đề nghị trong ban hành luật của Quốc hội kỳ này và sắp tới, cần cân nhắc không để bộ máy phình ra một cách vô lý cũng như tạo các điều kiện phải chi tiêu ngân sách nhiều hơn.
Hụt thu không được đổ lỗi cho khách quan
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) rất băn khoăn khi Chính phủ cho rằng hụt thu đều do nguyên nhân khách quan, không thấy tồn tại, yếu kém thuộc về chủ quan. Ông Chiểu đặt câu hỏi, phải chăng tình trạng chuyển giá, hủy giá diễn ra trầm trọng, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại thông qua tạm nhập tái xuất vừa qua, tình trạng nợ đọng, thuế tăng cao đột biến hiện nay theo Chính phủ cũng là nguyên nhân khách quan?
Theo đại biểu Trần Quang Chiểu, Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính với tinh thần và hình thức cầu thị cần thẳng thắn, mạnh dạn nhận trách nhiệm về những yếu kém, tồn tại, về chủ quan của mình trong việc tổ chức điều hành năm 2013 để làm giảm thu ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó làm bài học trong điều hành 2014 và các năm tiếp theo.
Đại biểu này cho rằng có thể đến cuối năm số hụt thu thấp hơn dự kiến nên ông đề nghị Quốc hội ra nghị quyết chỉ tăng bội chi theo số hụt thu thực tế. Nếu mức bội chi cố định là 195.500 tỷ đồng mà số hụt thu thực tế thấp hơn dự kiến thì không dùng số này để tăng chi thường xuyên mà dùng để bù đắp số nợ hoàn thuế, trả tiền chênh lệch lãi suất cho hai ngân hàng và chi trả nợ cho quốc gia.
Theo đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau), có thể nói sự kiện đáng quan tâm của tình hình ngân sách năm nay là đây là năm đầu tiên hụt thu lượng lớn ngân sách nhà nước ảnh hưởng đến cân đối và phải điều chỉnh tăng mức bội chi. Ông đề nghị nên có đánh giá nhìn nhận thật sâu sắc nghiêm túc và nêu rõ những nguyên nhân để có giải pháp khắc phục hiệu quả, xác định rõ tránh nhiệm cũng như vấn đề cần phải rút kinh nghiệm.
Về nguyên nhân, theo đại biểu Chương, do Chính phủ chưa thực sự phát hiện để có những giải pháp xử lý thật kịp thời. Tại kỳ họp thứ 5 vào giữa năm, báo cáo của Chính phủ cũng chưa phản ánh thật đầy đủ và để dự báo và kiến nghị với Quốc hội có những quyết định kịp thời trong việc tháo gỡ những cơ chế, chính sách ứng phó, khắc phục. Trong quản lý thu ngân sách kết quả thu cũng chưa phản ánh đúng với tương quan, kết quả tăng trưởng kinh tế cũng còn để xảy ra tình trạng thất thu, chuyển giá, trốn thuế và gian lận thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng một lượng lớn.
Theo đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi), nguyên nhân hụt thu chính là do khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Nhìn lại số doanh nghiệp ngừng hoạt động, số doanh nghiệp không có phát sinh doanh thu và một số doanh nghiệp không có lãi rất nhiều. Điều này dẫn đến việc nợ xấu thuế tăng. Nguyên nhân thứ hai, theo ông Phúc là do chúng ta triển khai Luật quản lý thuế, sự thông thoáng cho doanh nghiệp trong lộ trình cải cách thuế cũng dẫn đến việc thất thoát thuế.
Giải pháp tăng thu giảm chi
Tại hội trường, hầu hết các đại biểu đều đồng tình với việc nâng mức bội chi từ 4,8% lên 5,3% cho GDP để giải quyết cân đối ngân sách nhà nước. Theo đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình), để đảm bảo mục tiêu ổn định và phục hồi kinh tế cuối năm 2015 nhất định chúng ta phải làm như vậy. Chính phủ đề nghị nâng bội chi năm 2013, kể cả 2014 lên 5,3% và phát hành thêm 170.000 tỷ trái phiếu Chính phủ cho ba năm 2014 – 2016. Bốn năm sắp tới chúng ta phải huy động 400 nghìn tỷ đồng.
“Tuy rằng rất cao, nhưng chúng tôi cũng thấy rằng không có cách nào khác là chúng ta phải chấp nhận. Biết rằng khi chấp nhận những con số này chúng ta sẽ làm khó, rất khó trong việc thực hiện lộ trình giảm bội chi ngân sách cho những năm sau. Cũng thấy rằng dứt khoát nó sẽ tăng nợ công và đưa gánh nợ cho con cháu chúng ta và những năm sau”, ông Cao Sĩ Kiêm nói.
Mặc dù đồng tình nhưng đại biểu Danh Út kiến nghị Chính phủ cần thực hiện nguyên tắc dựa vào cơ cấu thu để quyết định cơ cấu chi. Hụt thu thì phải giảm chi vì nếu cứ chi kiểu như hiện nay thì tất nhiên nợ công sẽ tăng lên, không giảm vào năm 2015 như Chính phủ đề ra.
Các đại biểu đề xuất những lĩnh vực có thể tăng thu thêm và những “địa chỉ” có thể giảm chi. Về tăng thu, các đại biểu đề xuất tăng tỷ lệ thu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên như khai thác mỏ, khai thác gỗ, thu để ngăn chặn đầu cơ bất động sản và thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ngăn chặn các hiện tượng chuyển giá, thu từ các khoản thu nhập chưa được kê khai.
Và những “địa chỉ” có thể giảm chi theo các đại biểu là: mua sắm, trụ sở, khởi công, khánh thành, kỷ niệm, đặc biệt là biên chế bộ máy ngày càng phình ra không quản lý kiểm soát một cách có hiệu quả. Những vấn đề này phần lớn là thuộc về các cơ quan ra chính sách, cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, vì thế, cần phải gương mẫu, phải làm từ trên xuống dưới, quy trách nhiệm rõ ràng.
“Chúng ta không nên “vung tay quá trán” trong vấn đề xây dựng trụ sở cơ quan, mua sắm. Chúng ta phải nhận thức rằng việc chi cho việc xây dựng cơ quan, trụ sở, mua sắm thiết bị văn phòng bên trong, đó là chi tiêu dùng chứ không phải đầu tư. Chúng ta cứ nghĩ đó là xây dựng cơ bản đầu tư là không đúng mà đó là tiêu dùng, nếu nhận thức là chi tiêu dùng thì chúng ta sẽ tiết kiệm”, đại biểu Trần Du Lịch nói.
Đại biểu Nguyễn Cao Phúc đề nghị giảm chi ba lĩnh vực gồm xây dựng trụ sở mới, mua xe công và xem xét lại biên chế. Trong thời gian 3 năm vừa qua, chúng ta tăng biên chế cho sự nghiệp hơn 200.000 và hành chính là hơn 35.000 là rất cao. Tiền lương tăng liên tục thì không thể bảo đảm việc cân đối ngân sách.
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị Quốc hội kiểm soát chi tiêu của Chính phủ chặt chẽ đến từng khoản, mục, chi, phải gắn liền với hiệu quả công việc đem lại. Thêm nữa, trong những năm qua Quốc hội đã cho phép thành lập rất nhiều quỹ tài chính nhà nước, ví dụ Quỹ bình ổn giá, Quỹ cổ phần hóa… Trong khoảng 40 quỹ đang hoạt động, hiện có khoảng 30 quỹ đang còn tồn một số vốn không nhỏ, chưa chi hết, trong khi đó thì ngân sách vẫn tiếp tục bội chi mà ngân sách thì chưa điều hòa được, đại biểu Tính đề nghị Chính phủ trong thời gian tới rà soát, thu đúng, thu đủ các loại quỹ vào ngân sách nhà nước.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()