Theo thống kê của tỉnh Lâm Đồng, khoảng 10 năm trước, sản lượng xuất khẩu hoa Đà Lạt là 5%. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ này vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu, mặc dù, hiện nay Đà Lạt đã là vùng trồng hoa và xuất khẩu hoa lớn nhất của cả nước với gần 4.000 ha (chiếm 40% diện tích và 50% sản lượng). Vậy đâu là hướng đi cho hoa Đà Lạt xuất khẩu.Thu hoạch hoa cúc ở Đà Lạt. Sản lượng cao, xuất khẩu thấpCùng với nhiều công ty sản xuất - kinh doanh ngành hoa ở quy mô lớn, Đà Lạt và vùng phụ cận hiện có hơn 3.000 hộ gia đình sống bằng nghề trồng hoa. Từ vài chục giống hoa truyền thống, hiện nay ở vùng hoa này đang có sự hiện diện của hơn 2.000 loài hoa (cả nguồn gốc bản địa và các châu lục khác). Sản lượng hoa Đà Lạt và các vùng phụ cận tiêu thụ hằng năm gần 1.119 triệu cành các loại, tăng gấp năm lần so năm 2000. Đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước nhưng sản lượng xuất khẩu hoa Đà Lạt...
Theo thống kê của tỉnh Lâm Đồng, khoảng 10 năm trước, sản lượng xuất khẩu hoa Đà Lạt là 5%. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ này vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu, mặc dù, hiện nay Đà Lạt đã là vùng trồng hoa và xuất khẩu hoa lớn nhất của cả nước với gần 4.000 ha (chiếm 40% diện tích và 50% sản lượng). Vậy đâu là hướng đi cho hoa Đà Lạt xuất khẩu.
Thu hoạch hoa cúc ở Đà Lạt.
Sản lượng cao, xuất khẩu thấp
Cùng với nhiều công ty sản xuất – kinh doanh ngành hoa ở quy mô lớn, Đà Lạt và vùng phụ cận hiện có hơn 3.000 hộ gia đình sống bằng nghề trồng hoa. Từ vài chục giống hoa truyền thống, hiện nay ở vùng hoa này đang có sự hiện diện của hơn 2.000 loài hoa (cả nguồn gốc bản địa và các châu lục khác). Sản lượng hoa Đà Lạt và các vùng phụ cận tiêu thụ hằng năm gần 1.119 triệu cành các loại, tăng gấp năm lần so năm 2000. Đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước nhưng sản lượng xuất khẩu hoa Đà Lạt chưa cao: Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt Trần Huy Đường cho biết: “Trong mười năm qua, diện tích và sản lượng hoa của Đà Lạt vẫn không ngừng được nâng lên, tuy nhiên sản lượng hoa xuất khẩu lại giậm chân tại chỗ, nguyên nhân chính là do việc sản xuất vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu bền vững. Trong khi đó, Đà Lạt lại chưa có vùng quy hoạch cũng như định hướng phát triển cho vùng hoa nguyên liệu…”. Một thí dụ cho việc xuất khẩu hoa Đà Lạt vẫn “nằm im” trong hơn 10 năm qua đó là, cây hoa ly ly, loại hoa chỉ tiêu thụ được ở thị trường trong nước mà gần như không có khả năng xuất khẩu nhưng những năm qua lại được phát triển khá mạnh.
Những năm qua, đã có nhiều đoàn doanh nhân từ Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan… đến thăm dò thị trường và đặt vấn đề mua hoa Đà Lạt nhưng sau khi về nước họ đã “một đi không trở lại”. Nguyên nhân khiến các “thượng đế” không quay trở lại một phần vì hoa do nông dân sản xuất phẩm cấp chưa đồng bộ, phần vì chúng ta còn thiếu một cơ cấu tổ chức đủ bảo đảm về tư cách pháp nhân để đảm đương việc xuất khẩu hoa ra thị trường thế giới. Cũng tương tự như nhiều lĩnh vực kinh tế xuất khẩu khác, hoa Đà Lạt muốn vươn xa hơn cần phải xây dựng được một quy trình quản lý chất lượng “ISO” cho từng loại sản phẩm. Kỹ thuật canh tác cũng đang làm cho người trồng hoa Đà Lạt chưa dành được thế chủ động trước sản phẩm làm ra của mình. Hầu hết nông dân chưa biết cách xử lý đất trồng, cách chăm sóc. Phong trào trồng hoa đang là “mốt” nhưng Đà Lạt vẫn chỉ đang phát triển ồ ạt giống cũ. Một vài công ty nước ngoài nhập giống bán cho nông dân rất đẹp nhưng không cung cấp thông tin là hoa trồng chậu hay hoa cắt cành cho nên khi sản xuất không phù hợp. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch thì đang quá sức đối với những người nông dân thiếu cả thiết bị lẫn thông tin khoa học. Ông Nguyễn Văn Đông, một chủ trang trại hoa, cho rằng: “Khâu bảo quản hoa sau thu hoạch bấy lâu không được chú trọng, bao bì đóng gói không đúng quy cách. Ngay cả việc vận chuyển hoa đến thị trường tiêu thụ cũng không có xe lạnh chuyên dụng đã làm giảm sức hấp dẫn, giảm tính cạnh tranh của hoa Đà Lạt”.
Để hoa Đà Lạt vươn xa
Để hoa Đà Lạt, khẳng định được trên thị trường thế giới, cần phải có sự định hướng và vào cuộc tích cực của chính quyền và các ngành chức năng. Trước tiên, đó phải là việc quy hoạch phát triển riêng cho ngành sản xuất hoa. Những người trồng hoa Đà Lạt mong muốn có một quy hoạch rõ ràng để định hướng cho cả vùng hoa có được sự phát triển ổn định và bền vững. Quy hoạch cần phải được xây dựng trên cơ sở các luận chứng khoa học về những lợi thế cạnh tranh, xu thế phát triển của thị trường trong nước và ngoài nước… chứ không phải sự phát triển tự phát như hiện tại, “mạnh ai nấy làm” và thấy gì có lợi thì trồng theo kiểu “phong trào”.
Nói đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, là nói đến nhà xưởng, máy móc thiết bị chuyên dùng tiên tiến, phải có công nhân nông nghiệp, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn bắt buộc. Hiện tại, mỗi ha nhà kính của Công ty Đà Lạt Hasfarm có giá trị đầu tư từ năm đến bảy tỷ đồng, Công ty TNHH Apollo là ba triệu USD, nhà kính mà nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam nhập từ nước ngoài với chất lượng vừa phải cũng có giá trị đầu tư không dưới hai đến ba tỷ đồng/ha. Với kinh phí đầu tư cho quy mô lớn như thế, gần như những cơ sở sản xuất hoa, hay các HTX, các hộ gia đình… đều không đủ tiềm lực để thực hiện. Hiện nay, nguồn vốn các ngân hàng cho người nông dân hay doanh nghiệp trồng hoa vay đều có thời gian ngắn và hạn chế về số lượng. Gói kích cầu mà Nhà nước đã thực hiện vừa qua thực chất chưa đến được tay người trồng hoa Đà Lạt, hoặc có đến cũng chỉ với một tỷ lệ rất nhỏ. Bên cạnh đó, việc đầu tư trang thiết bị, con người để tạo ra những giống hoa mới, tạo lập ngân hàng giống, hoặc thực hiện các đợt thực nghiệm, thí nghiệm giống sạch bệnh cung cấp cho các cơ sở cũng còn đang bỏ ngỏ mà chưa có sự quan tâm thích đáng…
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần có sự hậu thuẫn vững chắc về công nghệ, thị trường… cho hoa Đà Lạt và cho những người nông dân trồng hoa nơi đây. Cả chục tỷ đồng đã được chính quyền địa phương bỏ ra để tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về hoa, các lễ hội hoa hoành tráng đã và đang được tổ chức thật sự là những nỗ lực trên hành trình khẳng định thương hiệu cho hoa Đà Lạt. Nhưng như thế có lẽ là chưa đủ để hoa Đà Lạt vươn xa.
Phòng Chỉ dẫn địa lý (Cục Sở hữu Trí tuệ), cho biết, hoa Đà Lạt vừa được cấp đăng ký chứng nhận nhãn hiệu với chủ nhãn hiệu là UBND thành phố Đà Lạt. Để được cấp chứng nhận nhãn hiệu, cá nhân, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm. Cụ thể, để được dùng nhãn hiệu hoa Đà Lạt, cá nhân, doanh nghiệp phải trồng hoa tươi tại TP Đà Lạt hoặc các vùng phụ cận, phải được UBND thành phố Đà Lạt cho phép. Nhãn hiệu và biểu trưng hoa Đà Lạt có thể được dùng kèm với nhãn hiệu hoa tươi riêng của từng cá nhân, doanh nghiệp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()