Hướng về cơ sở, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khoẻ người dân
- Công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Những năm qua, ngành y tế tỉnh đã hướng về cơ sở, đẩy mạnh hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú, góp phần phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân.

Truyền thông y tế không chỉ là những khuyến cáo phòng chống dịch bệnh hay lời khuyên chăm sóc sức khỏe, tạo ra những thói quen có lợi cho sức khỏe, mà còn góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, với đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, việc tiếp cận thông tin y tế còn gặp khó khăn, thì công tác truyền thông càng trở nên cần thiết hướng đến việc thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, giúp họ tự chủ hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cá nhân và gia đình.
Thông qua các chương trình truyền thông, người dân có cơ hội tiếp cận với những kiến thức thiết thực về: phòng bệnh, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý; các biện pháp bảo vệ sức khỏe; các bệnh truyền nhiễm (sốt xuất huyết, lao, HIV/AIDS); các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường)… giúp người dân chủ động hơn trong việc phòng tránh bệnh tật.
Truyền thông trực tiếp từ đội ngũ cán bộ y tế cơ sở
Toàn tỉnh hiện có 194 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Mạng lưới truyền thông ở cơ sở được phủ kín với 100% trạm y tế cấp xã có cán bộ phụ trách công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ. Hằng năm, Sở Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông cho nhân viên truyền thông ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, tập trung nâng cao kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh, kỹ năng tư vấn sức khoẻ… Từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 27 lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác truyền thông với gần 2.000 lượt cán bộ, nhân viên y tế tham gia.
Thực tế, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở nhất là ở vùng sâu, vùng xa chính là cầu nối quan trọng giữa hệ thống y tế và người dân. Họ không chỉ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe mà còn trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, sử dụng thuốc an toàn, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Chị Nông Lâm Mai, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định chia sẻ: Tôi đang nuôi con nhỏ nên hằng tháng, khi đưa con đến trạm y tế tiêm chủng, tôi được các cán bộ, y bác sĩ tư vấn về cách chăm sóc sức khoẻ, cách phòng bệnh, nhất là trong việc bổ sung dinh dưỡng, các loại vitamin thiết yếu cho con. Nhờ đó con tôi trộm vía khoẻ mạnh, ít ốm vặt và không bị suy dinh dưỡng.
Nhiều chương trình đã được triển khai thành công nhờ sự tham gia của các nhân viên y tế thôn bản, giúp hàng ngàn người dân vùng cao tiếp cận được với kiến thức y tế một cách trực quan, dễ hiểu. Các buổi nói chuyện, tư vấn trực tiếp tại các hộ gia đình hay sinh hoạt cộng đồng đã giúp người dân dần thay đổi thói quen sinh hoạt, biết cách chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Riêng từ năm 2024 đến nay, các cán bộ y tế cơ sở đã truyền thông lồng ghép trong các buổi họp cộng đồng được hơn 12.000 cuộc, thu hút trên 300.000 lượt người tham gia; tư vấn sức khoẻ tại các gia đình cho hơn 940.000 lượt người.
Truyền thông lồng ghép qua khám chữa bệnh
Cùng đó, một trong những hình thức truyền thông y tế được đánh giá cao là lồng ghép tuyên truyền trong các đợt khám chữa bệnh tại trạm y tế, khám chữa bệnh tình nguyện. Các y bác sĩ ở các trạm y tế xã, phường, thị trấn, không chỉ mang đến dịch vụ khám chữa bệnh mà còn tổ chức các buổi tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, cung cấp tài liệu truyền thông trực quan giúp người dân tiếp cận thông tin một cách dễ dàng.
Đối với những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, mô hình này đã phát huy hiệu quả rõ rệt, không chỉ giúp người dân được khám, phát hiện bệnh sớm, mà còn giúp họ nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe, từ đó thay đổi hành vi theo hướng tích cực. Bà Dương Thị Hà, Trưởng Trạm Y tế xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn cho biết: Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, hằng ngày, khi có bệnh nhân đến khám, tiêm chủng, chúng tôi đều tuyên truyền, tư vấn về các vấn đề như: chăm sóc sức khoẻ sinh sản, hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh, xoá bỏ những thói quen không có lợi cho sức khoẻ, phòng, chống các bệnh lây nhiễm, các bệnh theo mùa… Qua đó để người dân nâng cao ý thức tự chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều cơ sở y tế đã tận dụng các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng di động để đưa thông tin y tế đến với người dân. Các trang web, fanpage của các trung tâm y tế, bệnh viện thường xuyên cập nhật tin tức, chia sẻ các nội dung hữu ích về chăm sóc sức khỏe. Từ năm 2024 đến nay, trang web, fanpage của các trung tâm y tế, sở y tế địa phương đã đăng tải, chia sẻ hơn 2.500 tin, bài, ảnh, thu hút hàng nghìn lượt xem. Nhờ đó, thông tin về y tế không chỉ lan tỏa nhanh hơn mà còn mang tính tương tác cao, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và áp dụng vào cuộc sống.
Như vậy, khi truyền thông y tế được thực hiện đúng cách, phù hợp với điều kiện thực tế địa bàn sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nhờ làm tốt công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh những năm qua được kiểm soát tốt, ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh lây lan.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Phát huy những thành quả đạt được, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tham mưu cho Sở Y tế ban hành kế hoạch, chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn phối hợp thực hiện các giải pháp đồng bộ, truyền thông hướng mạnh về cơ sở, nâng cao nhận thức nhân dân nhất là ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, để mọi người dân, dù ở bất cứ đâu đều có thể tiếp cận và hiểu rõ hơn về cách bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình, hướng tới một xã hội phát triển bền vững và hạnh phúc hơn.

Ý kiến ()