Hướng ưu tiên vào thị trường trong nước
Với gần 100 triệu dân, thị trường trong nước đang được coi là mảnh đất “màu mỡ” để doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh sản xuất và chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt của các tập đoàn thời trang lớn trên thế giới đòi hỏi doanh nghiệp trong nước cần phải có lộ trình, hướng đi bài bản nhằm tránh thua thiệt ngay trên “sân nhà”.
Từ trước đến nay, các doanh nghiệp dệt may chủ yếu chú trọng đến xuất khẩu và chưa quan tâm nhiều đến thị trường trong nước. Việc đối diện với những khó khăn do dịch Covid-19 mang lại, nhất là khi thị trường xuất khẩu bị sụt giảm đã giúp doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng và đẩy mạnh phát triển thị trường này.
Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Ðức Việt cho biết, trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến nhiều thị trường xuất khẩu bị “đóng băng”, May 10 đã có những kế hoạch tập trung phát triển thị trường trong nước. Trong đó, thường xuyên tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, xu hướng về mầu sắc, kiểu dáng; chú trọng công tác chăm sóc khách hàng, chủ động phối hợp các nhà thiết kế tìm nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, may đo trực tiếp, bán hàng qua thương mại điện tử,… Hiện nay, May 10 đang hoàn thiện bộ sản phẩm mới, với thiết kế độc đáo, thời trang hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Không chỉ thời gian gần đây mà nhiều năm trước, May 10 đã không ngừng đầu tư, thiết kế và đưa ra nhiều sản phẩm thời trang đa phong cách, chủng loại phong phú với nhiều chất liệu, kiểu dáng theo xu thế của thời trang Việt Nam và quốc tế như dòng sản phẩm Eternity GrusZ, May10 M series hay dòng sản phẩm ECO là một trong những dòng sản phẩm mới mang đặc trưng riêng, gần gũi với thiên nhiên. Các sản phẩm này gồm các chất liệu tơ tằm, linen, các loại vải sợi tự nhiên,… không gây hại cho môi trường và người sử dụng.
Thời gian tới, May 10 tiếp tục đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước với những sản phẩm phù hợp vừa bảo đảm chất lượng, vừa có giá cả phù hợp nhu cầu tiêu dùng. Tương tự, với hơn 1.300 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm trên toàn quốc, Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến đã từng bước khẳng định được tên tuổi và vị thế trên thị trường với những thương hiệu nổi tiếng như Viettien, Viettien Smartcasual, San Sciaro,…
Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến Bùi Văn Tiến khẳng định, mục tiêu đến năm 2030, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, hướng tới đạt tỷ trọng xuất khẩu mang thương hiệu Việt Tiến chiếm từ 10% đến 15% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam (kim ngạch đạt từ 1,2 tỷ đến 1,4 tỷ USD toàn hệ thống), đồng thời, xây dựng giải pháp bán hàng trên mạng chiếm từ 25% đến 35%.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thị phần, các doanh nghiệp đang phải đối diện với nhiều khó khăn như sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn. Ðặc biệt, khi Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do không những mở cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài mà còn tạo điều kiện cho các loại hàng hóa, sản phẩm thời trang nổi tiếng của tập đoàn lớn trên thế giới tràn vào thị trường trong nước. Với phân khúc đa dạng, có thương hiệu, điều này sẽ tác động trực tiếp đến sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước.
Do đó, để có chỗ đứng trên thị trường, doanh nghiệp cần phải thay đổi phương pháp thiết kế, đầu tư thiết bị, công nghệ, con người, hướng đến sản xuất các đơn hàng riêng lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu may mặc của những người tiêu dùng khác nhau. Ngoài ra, cần đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết để chủ động nguồn cung, đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu ngay sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi.
Xác lập vị thế thời trang trong nước
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu, những diễn biến dịch bệnh phức tạp trong hai năm qua đã làm cho thị trường bán lẻ bị phân hóa rõ nét. Sự chuyển biến trên thị trường giúp các nhà bán lẻ biết rõ và tập trung hơn với kênh phân phối đang “ăn khách” và tái sắp xếp, xác định lại đối tượng khách hàng mục tiêu của mình. Sau giai đoạn khó khăn, nhiều thương hiệu hướng tới việc tái định vị, xác định chiến lược phát triển nhanh nhạy hơn, lựa chọn sản phẩm, địa điểm kỹ càng và quản lý các chi phí chặt chẽ hơn. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng như các phân khúc thị trường.
Nhìn nhận về tín hiệu thị trường, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang khẳng định, thị trường trong nước còn rất nhiều dư địa để phát triển, người tiêu dùng trong nước đã sử dụng các sản phẩm của ngành dệt may Việt Nam nhiều hơn, tin tưởng hơn. Tới đây, Vitas sẽ chủ trì phiên họp đầu tiên mời gọi các nhà thiết kế thành lập Hiệp hội thời trang của Việt Nam. Khi đó, hiệp hội này sẽ là động lực để phát triển thị trường trong nước, khẳng định vị thế của các thương hiệu thời trang trong nước, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và chắc chắn sẽ gặt hái được kết quả tốt trong những năm tới.
Cũng theo ông Vũ Ðức Giang, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã và đang khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước với phân khúc sản phẩm ở mức trung bình, trung bình cao. Mục tiêu đặt ra đến hết năm, thị trường trong nước sẽ chiếm khoảng từ 3,5 tỷ đến 4 tỷ USD. Ðể thực hiện thành công, Vitas sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề hàng nhái, hàng giả bằng cách liên kết với các cơ quan quản lý thị trường và vận động người tiêu dùng thông qua các kênh truyền thông. Ðồng thời, chủ động kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp dệt trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phần cung mà Việt Nam đang thiếu hụt.
Ngành cũng kiến nghị với Chính phủ và các địa phương liên quan hình thành các trung tâm phát triển thiết kế, sàn diễn để nhà thiết kế có nơi thể hiện tài năng, đưa ra những mẫu phù hợp xu thế, bắt kịp xu thế thị trường xuất khẩu, thời trang toàn cầu. Chung quan điểm, ông Cao Hữu Hiếu,
Tổng Giám đốc Vinatex kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách phù hợp bảo vệ các nhà bán lẻ nhỏ, bảo vệ hàng hóa và thị trường trong nước trước sự cạnh tranh của các nhà đầu tư nước ngoài. Ðồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát sự tuân thủ pháp luật đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ; tăng cường quản lý thị trường, có biện pháp hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại trên thị trường cũng như có các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp, phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân tại khu vực vùng ven, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất,…
Ý kiến ()