Chủ nhật, 24/11/2024 18:48 [(GMT +7)]
Hương ước góp phần giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc
Thứ 3, 05/03/2013 | 09:40:00 [(GMT +7)] A A
Việc đồng tình hưởng ứng và nghiêm túc chấp hành các quy định trong hương ước của các tầng lớp nhân dân đã làm cho bản làng, khu phố không ngừng khởi sắc. Các gia đình thi đua thực hiện các tiêu chuẩn gia đình văn hóa, làng văn hóa, giữ gìn những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc, bảo vệ môi trường, giúp nhau xóa nghèo, làm giàu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
LSO-Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa. Nhận thức được tầm quan trọng của hương ước trong việc xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc và phát huy những giá trị truyền thống, những nét đẹp văn hóa dân tộc, trong những năm qua, các cấp, ngành chức năng của tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác xây dựng và thực hiện hương ước thôn, khối phố và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Nhân dân huyện Hữu Lũng làm đường giao thông nông thôn
Thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các ban, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương xây dựng và thực hiện hương ước. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 2.288/2.324 thôn, khối phố có hương ước được phê duyệt, đạt tỷ lệ 98,4%. Hương ước quy định những nội dung cụ thể về phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh trật tự như: quy định về xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn hóa, về việc cưới, việc tang, lễ hội, bảo vệ môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội…14 năm qua, hương ước không những có tác dụng giữ gìn, phát huy thuần phong mỹ tục, giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc mà còn góp phần phục vụ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Hương ước đã hỗ trợ đắc lực trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản tại cộng đồng dân cư. Bà Đào Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng cho biết: 100% số thôn của xã đều xây dựng hương ước phù hợp với từng thôn. Qua đó, đã thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần của người dân, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Trong đó, nhiều thôn đã thực hiện khá tốt hương ước để các thôn khác học tập như: thôn Trường Sơn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; thôn Dốc Mới điển hình trong vệ sinh môi trường; thôn Na Hoa đi đầu trong xây dựng nông thôn mới… Nhờ thực hiện tốt hương ước mà nhân dân các thôn bản, khu phố sống đoàn kết, hòa thuận, tương thân, tương ái, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân vì lợi ích của cộng đồng như: thôn Hoàng Thuỷ, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn đã có gần 20 hộ tự nguyện hiến đất, rừng, cây cối để mở đường phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Thôn Tam Hợp, xã Hoà Lạc có đến gần 40% số hộ trong thôn hiến đất xây dựng các công trình công cộng… Hương ước đã xoá bỏ nhiều hủ tục lạc hậu trong việc tổ chức cưới, hỏi, ma chay mà thay vào đó là thực hiện theo nếp sống văn hoá. Ông Lăng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Hoà Bình, huyện Bình Gia cho biết: Hòa Bình là xã vùng III đặc biệt khó khăn nhưng những năm qua, nhờ thực hiện tốt hương ước nên trình độ dân trí của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Tình trạng tảo hôn đã giảm hẳn. Việc ép cưới trong hôn nhân đã không còn, đám cưới cũng được tổ chức đơn giản, không kéo dài ngày gây lãng phí… Có thể nói, việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả hương ước đã góp phần làm thay đổi diện mạo của các bản làng, khu phố. Trong phát triển kinh tế gia đình, việc đề ra các quy định về phát huy tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng của hương ước đã góp phần làm giảm dần tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh và thực hiện tốt các chính sách xã hội trên địa bàn. Trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn, khối phố văn hóa ngày càng tăng, tỷ lệ gia đình văn hóa năm 2012 đạt 58,7%, tăng 27,1% so với năm 2001; tỷ lệ thôn, khối phố văn hóa năm 2012 đạt 23,4% tăng 1,8% so với năm 2001. Nhận thức về bình đẳng giới, về bạo lực gia đình của người dân được nâng cao. Nhiều thôn, khối phố trong nhiều năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3. Việc tổ chức cưới linh đình, nhiều ngày đã hạn chế ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa. Trong việc tang đã hạn chế dần các hủ tục lạc hậu. Nhận thức của người dân về bảo đảm vệ sinh, môi trường, bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao như thôn Đông Đằng II, xã Bắc Sơn huyện Bắc Sơn bảo vệ 13 ha rừng cây gỗ nghiến nguyên sinh, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Việc thực hiện hương ước cũng góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại các thôn. Qua công tác hòa giải ở cơ sở đã hạn chế các tranh chấp, khiếu kiện phải chuyển lên cấp có thẩm quyền giải quyết. Tỷ lệ hòa giải thành ngày càng cao, trong giai đoạn 1998-2012, các tổ hòa giải đã thực hiện hòa giải thành 21.048/29.317 việc, đạt tỷ lệ 71,7%.
Vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại huyện Hữu Lũng
Việc đồng tình hưởng ứng và nghiêm túc chấp hành các quy định trong hương ước của các tầng lớp nhân dân đã làm cho bản làng, khu phố không ngừng khởi sắc. Các gia đình thi đua thực hiện các tiêu chuẩn gia đình văn hóa, làng văn hóa, giữ gìn những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc, bảo vệ môi trường, giúp nhau xóa nghèo, làm giàu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Minh Thảo
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()